Theo số liệu báo cáo của Chính phủ Ấn Độ công bố ngày 29/11, trong quý ba vừa qua, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng thấp nhất trong hơn sáu năm qua.
Cụ thể, kinh tế của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và đứng thứ bảy thế giới này chỉ tăng trưởng 4,5%, giảm 0,5% so với quý trước đó và giảm tới 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này là khá thấp so với mức tăng trưởng cần thiết để Ấn Độ đảm bảo tạo ra hàng triệu việc làm mới mỗi năm, đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động mới.
Thông tin tiêu cực này sẽ gia tăng áp lực đối với Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.
Để thúc đẩy kinh tế, Chính phủ Ấn Độ cũng đã công bố các chương trình cải cách, nới lỏng các quy định nghiêm ngặt trong đầu tư nước ngoài, giảm thuế doanh nghiệp và đẩy mạnh tư nhân hóa nhằm vực dậy các doanh nghiệp nhà nước đang có nguy cơ phá sản.
Cùng với đó, trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã 5 lần liên tiếp giảm lãi suất để kích thích hoạt động vay vốn. Tuy nhiên, không biện pháp nào trong số này làm tăng lòng tin của người tiêu dùng. Nhu cầu của người dân Ấn Độ đối với tất cả các loại hàng hóa đều giảm.
Tăng trưởng kinh tế sụt giảm khiến Ấn Độ đánh mất vị trí là nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất về tay Trung Quốc trong năm 2019 này. Tháng 10 vừa qua, Bắc Kinh thông báo trong quý 3/2019, kinh tế nước này tăng trưởng 6%, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 6,2% ghi nhận trong quý liền kề trước đó.
Các nhà kinh tế dự báo Ngân hàng Trung ương Ấn Độ sẽ chưa thể cắt giảm lãi suất để chống đỡ một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể phát sinh do sự sụp đổ của hệ thống tài chính ngầm. Ngân hàng này đang duy trì lãi suất 5,15% - mức thấp nhất trong chín năm qua.