Cú sốc về nhu cầu tiêu thụ
Giám đốc Cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse (Pháp) Jean-Francois Dufour cho rằng, tình hình ảm đạm trong 3 quý đầu năm mới chỉ là đợt sóng đầu tiên và kinh tế Trung Quốc còn phải trải qua nhiều thử thách khác.
Theo ông Dufour, 3 tháng qua chỉ là giai đoạn 1 khi guồng máy sản xuất của Trung Quốc bị tê liệt trong nhiều tuần lễ. Giờ đây là giai đoạn 2 khi Trung Quốc tái khởi động các nhà máy nhưng hàng sản xuất không có người mua bởi dịch Covid-19 đang tấn công phần còn lại của thế giới.
Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Trivium đặt tại Bắc Kinh, tính đến giữa tháng 4-2020, cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc mới chỉ hoạt động 80% công suất. Về phía tiêu thụ, trong 2 tháng Trung Quốc bị chìm vào “ngủ đông”, hàng ngàn người lao động mất nguồn thu nhập, qua đó tiêu thụ nội địa bị giảm theo. Chỉ số bán lẻ trong tháng 3-2020 được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố giảm 16%, mức sụt giảm ngoài dự báo của chính quyền. Thăm dò của Cơ quan tài chính UBS có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết, thu nhập của 54% số người được hỏi đã giảm sút và 60% tuyên bố cắt giảm chi tiêu so với thời kỳ trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đó là chưa kể ngay cả khi các sinh hoạt đã trở lại gần như bình thường, phần lớn người dân vẫn tránh né các khu đông người, ít lui tới các quán ăn, trung tâm thương mại và hạn chế đến các rạp chiếu phim, công viên giải trí...
Cú sốc về nhu cầu tiêu thụ đối với Trung Quốc thể hiện dưới 2 góc độ: Một là, tác động trực tiếp vào ngành xuất khẩu. Hai là, làm thế nào khắc phục được “đợt sóng thứ hai” này.
Nỗi lo ổn định xã hội
“Đợt sóng thứ hai” như ông Dufour nhận định là có thể đe dọa đến cam kết của Chính phủ Trung Quốc về việc đưa hàng triệu người dân Trung Quốc thoát nghèo. Với dự báo tăng trưởng GDP cả năm ở mức 1,2% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu đến cuối 2020, GDP tăng gấp đôi so với năm 2010 như những gì Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra hồi năm 2012.
Ngoài ra, thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 3 triệu việc làm bị mất vì dịch bệnh. Các cơ quan quốc tế như UBS của Thụy Sĩ hay Ngân hàng Nomura Nhật Bản dự báo dịch Covid-19 sẽ cướp đi công ăn việc làm của 10-18 triệu người trong những quý sắp tới. Tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 trên 6%, mức tăng trưởng thấp trong suốt 25 năm qua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và phải với hơn 6% tăng trưởng đó, Trung Quốc mới tạo thêm được 19 triệu việc làm. Hiện Chính phủ Trung Quốc rất lo ngại khả năng các công ty bị vỡ nợ, đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp, đe dọa ổn định xã hội.
Ngoài những ẩn số là tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, thất nghiệp, Bắc Kinh còn phải chuẩn bị trước khả năng đầu tư nước ngoài lần lượt rút lui khỏi nước này. 3 năm trước đại dịch, ông Donald Trump khi đắc cử Tổng thống Mỹ đã dứt khoát giảm mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc. Liên minh châu Âu cũng đã đòi Bắc Kinh cân bằng lại quan hệ song phương. Đại dịch Covid-19 lại càng củng cố thêm lập trường đó.
Gần đây nhất là Nhật Bản, khi Thủ tướng nước này Shinzo Abe từ tháng 3 vừa qua đã liên tục khuyến khích các doanh nhân Nhật Bản suy nghĩ về kế hoạch bố trí lại các khoản đầu tư ra nước ngoài, mà điểm đến có thể là các nước trong vùng Đông Nam Á. Trong khi đó, tập đoàn xe hơi Hyundai của Hàn Quốc có hẳn kế hoạch chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Giáo sư Stephane Corcuff của Trường Khoa học Chính trị Lyon (Pháp) cho rằng, Covid-19 là cơ hội để phương Tây xét lại chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất toàn cầu, tái tạo lại một trật tự thương mại thế giới mà trong đó Trung Quốc không còn là “cái rốn” của mạng lưới mậu dịch trên thế giới.