Với dư địa tín dụng không còn quá lớn so với chỉ tiêu 12%, chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2011 chỉ có thể dừng lại ở mức “vừa đủ” và chưa có tín hiệu sẽ được nới lỏng.
Áp lực tỷ giá đến từ đâu?
Tỷ giá liên ngân hàng liên tục lập đỉnh mới không còn là hiện tượng lạ trên thị trường ngoại hối và hiện đang duy trì ở mức 20.748 VNĐ/USD. Tại các NHTM, tỷ giá trần bán ra niêm yết là 20.955 VNĐ/USD và giá thu gom cũng lên cao sát với giá bán ra.
Phải chăng việc liên tục tăng tỷ giá trên thị trường ngân hàng là một cuộc rượt đuổi với tỷ giá trên thị trường chợ đen hay điều ngược lại đang diễn ra?
Có thông tin cho rằng tỷ giá USD/VNĐ tại một số NHTM hiện đang được giao dịch cao hơn rất nhiều so với tỷ giá niêm yết và thậm chí còn cao hơn tỷ giá chợ đen. Hệ quả là cuộc rượt đuổi tỷ giá lại càng làm tăng sức ép lên thị trường ngoại hối.
Nguyên nhân của hiện tượng này được giải thích chủ yếu là do áp lực huy động USD của các tổ chức tín dụng tham gia bình ổn vàng để ký quỹ trên tài khoản giao dịch vàng nước ngoài và dự trữ nhằm bảo toàn tài sản trên số vàng đã bán ra.
Trước sức mua vàng quá lớn của người dân hiện nay, thì khả năng “tranh giành” ngoại tệ là điều khó tránh khỏi khi mà nguồn ngoại tệ bán ra từ NHNN vẫn chưa đủ sức để cung ứng cho thị trường.
Điều lo ngại ở đây là áp lực tỷ giá đến từ thị trường tự do hay từ chính các NHTM? Nếu áp lực này thực sự đến từ chính các tổ chức tín dụng thì cuộc rượt đuổi sẽ càng khốc liệt hơn và nguy cơ mất giá nội tệ sẽ càng tăng cao.
Lạm phát giảm tốc: Tín hiệu tích cực cho mặt bằng lãi suất
Thông tin công bố cho thấy CPI tháng 10 tại 2 thành phố lớn TPHCM và Hà Nội giảm tốc đáng kể, chỉ tăng lần lượt là 0,18% và 0,13% so với tháng trước.
Yếu tố tích cực đóng góp vào mức giảm này đến từ nhóm Thực phẩm nói riêng và nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, các nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm Giao thông cũng đóng góp tích cực giúp hãm đà tăng của CPI.
Nhóm Giáo dục vẫn còn giữ quán tính tăng khá cao; nhưng quá khứ cho thấy mức tăng này sẽ giảm dần ở các tháng tiếp theo và ảnh hưởng gần như không đáng kể đến CPI.
Với mức tăng CPI khá thấp ở hai thành phố lớn, ước tính của chúng tôi cho thấy CPI tháng 10 tính chung cả nước sẽ không quá 0,4%; và theo đó, CPI tính đến tháng 10 tăng khoảng 17,1% so với cuối năm 2011. Xu hướng giảm tốc này đang tạo tín hiệu khá tích cực cho lạm phát kỳ vọng và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
E ngại trong thời gian sắp tới là khả năng tăng giá điện khi EVN vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện thêm 10-13% từ tháng 11. Theo đó, giá bán lẻ điện trung bình sẽ là 1.403 đồng/kWh thay cho mức giá hiện hành là 1.242 đồng/kWh.
Dự báolạm phát sẽ không có những biến động quá mạnh trong những tháng cuối năm do nhóm Thực phẩm (có trọng số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI) đang có xu hướng giảm nhẹ. Theo đó, lạm phát có thể dao động trong khoảng 18-19% vào cuối năm 2011.
Vì đâu trái phiếu chính phủ kém hấp dẫn?
Hoạt động đấu thầu trên thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp liên tục diễn ra khá trầm lắng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong thời gian từ đầu tháng 10 đến nay.
Cụ thể, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ trong tháng 8 đạt 49%, tháng 9 đạt 29,8% nhưng chỉ đạt mức 1% trong hơn nửa đầu tháng 10 và hầu hết là không thể bán được. Phiên đấu thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước gần đây nhất vào ngày 20-10 cũng không có đơn vị nào tham gia.
Tình trạng căng thẳng thanh khoản ở nhóm các ngân hàng yếu kém cùng với sự hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN đã đẩy các lãi suất liên ngân hàng nhảy vọt lên mức cao kỷ lục và có lúc đạt mức 30-40%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.
Trong khi các ngân hàng nhỏ yếu kém phải “còng lưng” ra chống chọi để đảm bảo thanh khoản thì các “ông lớn” có cơ hội gia tăng hoạt động trên thị trường liên ngân hàng.
So với mức lãi suất khá “khiêm tốn” trên thị trường trái phiếu, thì việc các ngân hàng lớn tranh thủ kiếm lợi nhuận “khủng” từ thị trường liên ngân hàng là điều khá dễ hiểu. Và hệ lụy là thị trường trái phiếu sơ cấp không còn sức thu hút.
Những bất ổn trong hệ thống cũng khiến cho nhiều ngân hàng chỉ tăng cường các hoạt động cho vay ngắn hạn hơn là dài hạn và nắm giữ tài sản có tính thanh khoản rất cao để phòng ngừa rủi ro.
Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Sáp nhập hay bơm vốn để “giải cứu”?
Tâm điểm của thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua là câu chuyện thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Với việc khoanh vùng nhóm ngân hàng cần “chăm sóc” đặc biệt trong thời gian qua, NHNN đang thể hiện quyết tâm tận dụng cơ hội lặp lại này để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Câu hỏi lớn đặt ra là sự lựa chọn nào sẽ thích hợp trong bối cảnh của Việt Nam - sáp nhập hơn bơm vốn để “giải cứu” - nhằm tái cơ cấu ngân hàng yếu kém?
Tuy vậy, mỗi sự lựa chọn đều có những rào cản và khó khăn cần phải vượt qua. Đối với giải pháp sáp nhập, những vấn đề như những yếu kém hiện tại có bị loại trừ không, quản trị rủi ro có được cải thiện không… sẽ là những câu hỏi lớn cần lời giải đáp.
Trong khi đó, giải pháp NHNN bơm vốn để “giải cứu” ngân hàng khó khăn, sau đó phần vốn này sẽ được chuyển thành vốn góp cổ phần đang vấp phải những trở ngại trong việc quản lý khoản đầu tư cũng như quá trình thúc đẩy quản trị ngân hàng được rót vốn.
Hiện đang có tranh luận trong giới chuyên gia quốc tế về việc có nên sử dụng ngân sách công để “giải cứu” các ngân hàng (bail-out) hay là huy động các nguồn vốn tư nhân để thực hiện (bail-in) vì sự giám sát và minh bạch sẽ khả thi hơn.
Tín dụng năm 2011 có thể chỉ tăng trưởng 12%
Thông tin tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII ngày 20-10 cho thấy Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt. Đáng chú ý, ước cả năm 2011 dư nợ tín dụng chỉ tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%.
Tính đến ngày 23-9, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 8,16% và tổng phương tiện thanh toán tăng 8,87% so với cuối năm 2010.
Như vậy, với dư địa không còn quá lớn so với chỉ tiêu 12%, chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2011 chỉ có thể dừng lại ở mức “vừa đủ” và chưa có tín hiệu sẽ được nới lỏng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cam kết điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi tiêu thường xuyên, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, miễn, giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Dự kiến bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống 4,9% GDP so với kế hoạch 5,3% GDP trước đó.
Năm 2012: Tăng trưởng 6-6,5%, lạm phát 10%
Theo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ trong khoảng 6-6,5%. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2011 chỉ tiêu này có tăng nhẹ hơn chút ít.
Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12-13,1%; nhập siêu khoảng 11,5-12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 740.500 tỷ đồng, tổng chi 903.100 tỷ đồng và tỷ lệ bội chi bằng 4.8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5-34% GDP.
Trong khi đó, đáng chú ý là chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) vẫn giữ nguyên mức tăng dưới 10%, một mức kéo giảm đáng kể so với con số ước tính 19% của năm 2011. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2012.