Những yếu tố thuận lợi
PHÓNG VIÊN: - Cơ sở nào để NFSC đưa ra các dự báo lạc quan như trên trong năm 2019, thưa ông?
Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC: - Trong vài năm trở lại đây, các chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ điều hành luôn đạt và vượt. Năm 2018, GDP có thể tăng 6,9%. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất khiến nhiều nước thắt chặt tiền tệ, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội để phát triển.
Chúng ta đã tiến hành các cải cách kinh tế, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, giấy phép con được kiên quyết cắt bỏ… Đó là những thành quả không thể phủ nhận.
FED tăng lãi suất và những chỉ báo cho tăng trưởng kinh tế Mỹ gắn liền chính sách tiền tệ, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho phần còn lại của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Và chúng ta có nhiều dư địa hơn để hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô theo hướng lạm phát thấp và tăng trưởng cao hơn. |
Ngoài ra, tăng trưởng tại nhiều quốc gia đang suy giảm. Xu hướng tăng lãi suất tại nền kinh tế Mỹ cũng được dự báo có thể sẽ chậm lại thông qua các tín hiệu từ nhận định của Chủ tịch FED sau cuộc họp vừa kết thúc ngày 20-12. Cụ thể, mức lãi suất trung hòa nền kinh tế này xác định đã giảm từ 3% xuống còn 2,75%, nhờ đó đã giảm dư địa cho chính sách tăng lãi suất.
Ở trong nước, các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được thúc đẩy… Những nguyên nhân chủ quan và khách quan trên, là những điều kiện để chúng tôi đưa ra các dự báo lạc quan.
Những thách thức, cùng cơ hội
- Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng trong năm 2019?
- Do chúng ta đã hội nhập sâu, nên thách thức lớn của Việt Nam nằm trong thách thức lớn của kinh tế thế giới. Tác động của chiến tranh thương mại bao giờ cũng có 2 chiều. Ngày 23-1-2019, Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán, nhưng trước mắt gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã ngừng áp dụng thuế suất.
Tôi cho rằng xung quanh cuộc chiến thương mại này có nhiều diễn biến cần phải theo dõi, bởi đây là điều lo ngại nhất với kinh tế thế giới. Theo dự báo, cuộc chiến thương mại này có thể khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu từ 5,2% năm 2017 giảm xuống 4,2% năm 2018 và dự báo còn khoảng 4% năm 2019.
Theo dự báo của chúng tôi, đồng USD sẽ không tăng giá, thậm chí giảm và điều đó sẽ khiến giá cả hàng hóa thế giới giảm, giá xăng dầu giảm. Với một nền kinh tế hội nhập sâu như Việt Nam, đó là những yếu tố thuận lợi để chúng ta kiềm chế lạm phát tăng ở mức 3,6% năm 2019. |
Chúng ta chưa nói trước được gì. Điều có thể nói trước, theo suy nghĩ của tôi là sẽ có sự linh hoạt trong chính sách kinh tế vĩ mô để thích ứng trong điều kiện toàn cầu hiện nay.
- Việc FED tăng lãi suất lần thứ 4, theo ông có tác động thế nào đến kinh tế thế giới và Việt Nam?
- Chính sách tiền tệ của Mỹ dựa vào 2 nhân tố chính là lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Những năm trước Mỹ đưa lãi suất về 0% khiến chi phí vốn của nền kinh tế Mỹ thấp, kích hoạt các dòng vốn đầu tư và làm tăng trưởng của nước này chỉ đạt 1,2-1,3%.
Nhưng nay, với chính sách điều hành của Mỹ, tăng trưởng kinh tế đã lên 2,9-3%. Điều đó nói lên chính sách lãi suất có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Song Mỹ cũng tính toán rằng, nếu lạm phát vượt mức 2% hoặc nếu thất nghiệp giảm xuống dưới 4%, có thể nền kinh tế nóng lên và FED từng tuyên bố sẽ dùng công cụ chính sách ngăn ngừa từ xa.
Chính sách của Mỹ đang rất thận trọng. Chủ tịch FED nói là chính sách tiền tệ của Mỹ hiện như người đứng trong phòng tối, phải dò dẫm từng bước, nếu tăng lãi suất nhiều có thể tác động tiêu cực tới kinh tế. Do đó, ngày 20-12, FED tuyên bố nếu có tăng lãi suất năm 2019 chỉ thực hiện 1 lần, vì Mỹ đã xác định lãi suất trung hòa 2,75% nhưng hiện đã lên 2,5%, tức chỉ còn dư địa 0,25%.
Thế giới đang khá ngạc nhiên với thay đổi chính sách của Mỹ. Các tín hiệu đó cho thấy chính sách lãi suất như vậy sẽ tốt cho kinh tế thế giới.
Ảnh minh họa.
Lạc quan về TTCK
- Ông nhìn nhận thế nào về thị trường tài chính trong năm 2018?
- Thị trường tài chính hoàn hảo có 2 cấu phần: thị trường tiền tệ cung cấp vốn ngắn hạn; thị trường vốn cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam có điểm khác biệt là vừa qua phần lớn dòng vốn tập trung vào vốn ngắn hạn của thị trường tiền tệ.
Vài năm gần đây, thị trường vốn đã chuyển động tốt hơn, thể hiện qua giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) trên GDP tăng đến 70%. Nhưng một thị trường tài chính hoàn hảo là ở đó các công cụ, thiết chế phải được tiếp cận với thông lệ quốc tế, tức các công cụ trên thị trường đầy đủ hơn, thị trường hoạt động hoàn hảo hơn.
Về vốn tín dụng, điều cần thiết là phải làm cho vốn ngắn hạn tín dụng đi vào nền kinh tế, sản xuất kinh doanh, thay vì đi vào những lĩnh vực có quá nhiều rủi ro như bất động sản hay đầu cơ chứng khoán.
- Dự báo của ông về TTCK năm 2019?
- Năm 2018, TTCK thế giới biến động nhiều do ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất và chiến tranh thương mại. TTCK Mỹ đã tác động lên nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Nhiều quốc gia, nền kinh tế mới nổi đã có hiện tượng rút vốn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạo được niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài do lạm phát thấp, tỷ giá ổn định. Dòng vốn ngoại vẫn giữ được trong nền kinh tế.
Với Việt Nam, những kết quả đạt được trong năm 2018 và sau một thời gian tiếp cận, quan sát các thay đổi của kinh tế thế giới, chúng ta có nhiều kịch bản ứng phó với thách thức, tiêu cực, đồng thời khơi dậy tiềm năng, tận dụng cơ hội…
Tôi tin tưởng TTCK Việt Nam vẫn tích cực. Thông thường, quy luật là hễ lãi suất tăng tức đồng USD tăng, giá chứng khoán giảm. Nhưng khi đã đạt đến ngưỡng nào đó và ổn định, đó chính là biến số để nhà đầu tư trong và ngoài nước có phương án sản xuất, kinh doanh của mình.
Do đó tôi khá lạc quan với TTCK Việt Nam. Đương nhiên mọi thứ đều có thể thay đổi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất trắc. Nhưng với kinh nghiệm điều hành, các chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay, tôi tin rằng TTCK Việt Nam có nhiều điều để lạc quan.
- Ông dự báo thế nào về tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 và nên ở mức nào là phù hợp?
- Chính phủ sẽ có cuộc họp vào cuối tháng 12 như mọi năm, và cuộc họp này sẽ gửi đi thông điệp chính sách với nền kinh tế năm 2019. Tôi cho rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô đến thời điểm này đều rất đúng hướng trong bối cảnh biến động của kinh tế và tài chính thế giới.
Song, tăng trưởng tín dụng vẫn là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù chúng ta đang cải tổ thị trường tài chính, đang uốn nắn lại các dòng vốn trong thị trường này, nhưng phải thừa nhận tín dụng ngân hàng vẫn là kênh chủ đạo giúp cho tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề là dòng vốn đó đi thế nào, có đúng hướng không, phân bổ thế nào để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Tôi cho rằng mỗi năm tăng trưởng tín dụng 14-15% là chấp nhận được.
- Xin cảm ơn ông.
Dự báo năm 2019, kinh tế thế giới sẽ suy giảm do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó có Nhật Bản, châu Âu. Riêng kinh tế Mỹ có 2 luồng ý kiến: tăng trưởng giảm ở mức 2,9% năm 2018, còn 2,5% vào năm 2019; các chính sách của Tổng thống Donald Trump sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Chủ tịch FED cũng nói FED sẽ chứng minh cho thế giới là chính sách của FED đúng đắn, làm cho tăng trưởng kinh tế Mỹ ổn định. Đó là những ý kiến chúng ta phải tiếp tục xem xét. |