Nhận định về tình hình trong nước 10 tháng năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nền kinh tế nước ra đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III.
Mặc dù lũ lụt nghiêm trọng, nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%.
“Chúng ta phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa. Trước hết, các Bộ, ngành, địa phương tập trung, dồn tâm sức khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.”
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.
Kinh tế tháng 10 khả quan
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2020: Với xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước cùng sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ trong các lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư công; đồng thời, với sự linh hoạt của các đơn vị sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế tháng 10 khả quan hơn so với những tháng trước.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc; nhất là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2020 tăng 18,4% so với tháng 9/2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4%. Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng, với mức tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa dồi dào, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được triển khai hiệu quả.
Vận tải tăng 2,9% về lượng hành khách vận chuyển và 3,7% về lượng hàng hóa vận chuyển. Khách quốc tế đến nước ta tăng 7,6% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa đón du khách quốc tế.
Cùng với đó, các Bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện những giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 68% kế hoạch được giao, cao hơn 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 10 điểm phần trăm so với 9 tháng năm nay.
Một trong những điểm sáng của nền kinh tế cũng được Tổng cục Thống kê chỉ ra, đó là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 439 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức Quốc hội giao.
Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm, góp phần quan trọng thực hiện an sinh và ổn định xã hội.
Với những kết quả đã đạt được, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong khối ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt mức tăng trưởng 1,6% và 6,7%.
Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 2,5-3% trong năm 2020.
Bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế, trong tháng 10/2020 vẫn còn một số lĩnh vực gặp khó khăn. Đó là ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng; lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng phục hồi chậm.
Thu hút đầu tư nước ngoài cũng có dấu hiệu chậm lại. Tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 15,8 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, rủi ro thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế khi lũ chồng lũ, bão chồng bão.
Tăng tốc 2 tháng cuối năm
Đánh giá về ảnh hưởng của thiên tai đối với tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, những tổn thất về tài sản sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhân dân và các tổ chức kinh tế; đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Những tài sản này là kết quả sản xuất của những năm trước tạo ra, đã tính vào tăng trưởng GDP của các năm trước. Vì vậy không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và tăng trưởng kinh tế của năm 2020.
Tuy nhiên, thiên tai cũng gây thiệt hại trực tiếp đến hoạt động sản xuất đang diễn ra của nền kinh tế, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất và tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp, thuỷ sản và ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Tuy vậy tổn thất và thiệt hại này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản nên không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng chung cả năm của nền kinh tế.
Nhận định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những tháng tới không được chủ quan khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài như: dịch bệnh, bất ổn tài chính toàn cầu, căng thẳng thương mai và công nghệ giữa Mỹ-Trung Quốc, còn trong nước là thiên tai, lũ lụt...
Với thiệt tại do thiên tai gây ra, Thủ tướng chỉ rõ “Chúng ta phải tăng sức sản xuất; phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn nữa để bù đắp tổn thất, mất mát của người dân miền Trung."
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA; tăng cường sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội 2 tháng còn lại của năm 2020 nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2-3%.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong 2 tháng cuối năm 2020, Bộ tiếp tục yêu cầu lãnh đạo các đơn vị theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể tháo gỡ khó khăn; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bộ chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng để vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng; trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, nhất là vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán năm 2021.
Là Bộ đang chịu ảnh hưởng lớn từ mưa bão thời gian qua cũng như tác động nặng nề của dịch COVID-19, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, bộ đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung.
Cùng đó, tiếp tục chỉ đạo khởi công toàn bộ các gói thầu xây lắp đủ điều kiện của 3 dự án thành phần chuyển sang hình thức đầu tư công thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và một số dự án giao thông trọng điểm khác nhằm sớm đưa các dự án đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ, sớm khôi phục, ổn định sản xuất. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thời tiết để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.
Các địa phương cũng tập trung thúc đẩy sản xuất, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt đối với sản xuất lúa, chăn nuôi lợn, khai thác và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác gỗ.
Về mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm 2020 đạt 41 tỷ USD.
Cục tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ các ngày Lễ, Tết cuối năm.
Để kinh tế-xã hội thời gian tới đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trước mắt Chính phủ cần tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế; trong đó, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Cùng với đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.