Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc việc cởi bỏ các rào cản về thể chế pháp luật, phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, yếu tố không thể thiếu là hình thành và phát triển các HTX kiểu mới.
Theo đó, xây dựng lực lượng HTX mạnh mẽ hơn, đủ sức hợp tác với doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị. Thực tế trên thế giới, những nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản… không có nước nào không có HTX.
Thời gian qua, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tại khắp các địa phương trong cả nước xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX đã và đang thực hiện tốt vai trò là “bệ phóng” cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo đó, giúp các hộ nông dân liên kết với nhau, chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển lên thành sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thông qua xây dựng chuỗi giá trị, HTX cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên HTX với giá thấp nhất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của HTX với giá bán cao nhất, thay vì phải qua các khâu trung gian làm tăng giá đầu vào và hạ giá thành sản phẩm cuối cùng. Việc xây dựng chuỗi giá trị gắn với xây dựng HTX cũng giúp các thành viên trong HTX có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có năng lực đàm phán trong giao dịch với đối tác.
Trên thực tế, đã xuất hiện một số mô hình HTX gắn với xây dựng các chuỗi giá trị. Điển hình như Liên hiệp HTX Thanh long tỉnh Bình Thuận. Nhờ áp dụng mô hình này, các HTX tham gia liên hiệp tạo thành chuỗi cung ứng tập trung với quy mô và sản lượng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tìm kiếm các thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Thành viên của một số HTX thanh long Bình Thuận đã được cấp mã code vùng trồng, nhằm cung cấp sản phẩm để liên hiệp HTX thanh long xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Dubai…
Hay mô hình HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. HTX có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất; tổ chức liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn đứng ra chịu trách nhiệm về giống, phân bón, các dịch vụ nông nghiệp cũng như bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.
Tại TPHCM, thời gian qua mô hình HTX kiểu mới đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi hiệu quả các giống cây trồng, vật nuôi có tính chủ lực theo đúng chỉ đạo của TP. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm giúp cho các mô hình kinh tế hợp tác, chủ yếu là HTX phát triển.
Ðây được xem là hướng đi đúng đắn, sớm đưa TP phát triển thành một nền nông nghiệp đô thị hiện đại. Với 41 HTX nông nghiệp, tập trung tại 5 huyện ngoại thành, đang đóng vai trò chủ đạo trong việc nâng cao thu nhập cho các thành viên, nông dân vùng nông thôn, góp phần triển khai hiệu quả quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung.
Các chính sách hỗ trợ xã viên nông dân khi tham gia HTX, như hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP; tham gia chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản ổn định trong chuỗi an toàn thực phẩm tại chợ phiên nông sản an toàn, các hệ thống siêu thị, chợ, đã giúp giá thành sản xuất giảm, giá bán sản phẩm cao hơn 10% và lợi nhuận thu được cao hơn 30% so với các hộ nông dân sản xuất độc lập.
Từ thực tế trên, có thể khẳng định mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới ngoài việc thể hiện vai trò quan trọng cầu nối trong tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, là bệ phóng thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi chủ lực của các địa phương trong cả nước.
Mục tiêu đề ra trong 3 năm (2018-2020), cả nước xây dựng khoảng 250-300 mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Vấn đề đặt ra là đã có bệ phóng, nhưng để nông nghiệp Việt Nam tăng tốc và bứt phá, cán bộ làm nông nghiệp phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn.