Kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng ngăn được tình trạng sở hữu chéo

(ĐTTCO) - Do có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, nên Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua kỳ vọng sẽ bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch hệ thống ngân hàng theo đúng nguyên tắc thị trường và chuẩn mực quốc tế.

Kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng ngăn được tình trạng sở hữu chéo

Phải quy định rõ nghĩa vụ công khai, minh bạch thông tin

Một trong những điểm mới là các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch (họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch; thông tin người có liên quan, số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại TCTD…).

Quy định này cùng với giải pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát được các nhà làm luật kỳ vọng hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ (quy định luật cũ là 15%); cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ (quy định luật cũ là 20%)…

Trước đó, khi thảo luận về dự luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn, giảm giới hạn cấp tín dụng chưa xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối như thời gian vừa qua, quan trọng là việc giám sát thực thi.

“Tôi cho rằng vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo, mà chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống NH nội”- đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) nói.

Bà An cho rằng, trên thực tế những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định, thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên. Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết, tuy nhiên khống chế tỷ lệ sở hữu tại NH không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng NH bản chất rất phức tạp.

Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết, tuy nhiên khống chế tỷ lệ sở hữu tại NH không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng NH bản chất rất phức tạp.

Theo Điều 49 Luật Các TCTD phải niêm yết, lưu giữ thông tin tại trụ sở chính của TCTD; định kỳ hàng năm, TCTD công bố thông tin với đại hội đồng cổ đông…

Tuy nhiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong bản góp ý trước đó cho rằng, hình thức công bố thông tin bằng việc niêm yết tại trụ sở và gửi cho đại hội đồng cổ đông không thực sự hiệu quả, do số lượng người tiếp cận ít và chỉ mang tính thời điểm.

Trong khi đó, đây đều là các thông tin quan trọng, liên quan đến tính đại chúng của NH. Trên thực tiễn, tình trạng thao túng NH như tại SCB trong một thời gian dài không bị phát hiện, một phần là do các thông tin về người quản lý, người điều hành và cổ đông của NH không được công khai rộng rãi.

Do đó, VCCI đề nghị phải quy định rõ hơn về nghĩa vụ công khai, công bố thông tin của các TCTD như: mở rộng phạm vi các thông tin phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử, gồm cả thông tin về người quản lý, người điều hành và cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên; mở rộng thêm một số thông tin phải công bố mà có thể ảnh hưởng đến tính đại chúng của NH như cấp tín dụng cho các cá nhân, tổ chức là cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, nhóm khách hàng lớn…

Thống đốc NHNN quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD

Xung quanh việc NHTM liên kết bán bảo hiểm, Luật Các TCTD đã quy định về hành vi bị nghiêm cấm như: TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, cung ứng sản phẩm, dịch vụ NH dưới mọi hình thức.

Đồng thời, luật giao Thống đốc NHNN quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực NH.

Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trước khi thông qua dự luật này tuần qua. Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua NHTM dễ dàng đã kéo các NH, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.

Điều này sẽ tốt cho cả hình ảnh của NHTM và đặc biệt nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nghề đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác.

Một số ý kiến khác trước đó cũng đề nghị dự luật không cho phép NH liên doanh, liên kết bán bảo hiểm. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là hoạt động thông lệ trên quốc tế và việc giao Thống đốc NHNN quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD là phù hợp.

“Chúng ta không nên vì những chuyện nọ, chuyện kia mà cấm. Điều quan trọng là cần phải có cơ chế để giám sát việc này để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan”- ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Một số điểm đáng chú ý trong Luật Các TCTD

Một trong những trường hợp NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm là khi số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

Hạn chế tăng trưởng tín dụng với những TCTD không đáp ứng được những yêu cầu, quy định của NHNN, nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của TCTD.

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm: TCTD được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm, để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các tin khác