Mục tiêu 25 DNNN tỷ USD
Theo Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc năm 2021 của Chính phủ mới gửi tới Quốc hội, tính đến ngày 31-12-2021 cả nước có 826 DN có vốn góp của Nhà nước. Trong đó có 673 DNNN (476 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 197 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) và 153 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Tại Báo cáo này, Chính phủ cũng thể hiện kỳ vọng rất lớn ở DNNN khi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 với những tiêu chí rất cụ thể. Đó là đến năm 2025 có 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị DN tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD.
100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của DNNN. 100% DNNN có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.
Theo đó, phấn đấu có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 DN đạt mức trên 5 tỷ USD. Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 5-10% so với giai đoạn 2016-2020. Chính phủ khẳng định DNNN tiếp tục là đơn vị đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội, và đóng góp lớn tạo sức mạnh về kinh tế.
Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 826 DN có vốn nhà nước là 1.671.574 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020; có lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại 673 DNNN là 664.837 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020; có lãi phát sinh trước thuế đạt 198.673 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020.
Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Rà soát, đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các công ty con, công ty liên kết để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng dự án và có phương án xử lý hợp lý, kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Tạo cơ chế để DNNN chủ động, tự chủ trong xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường.
Tạo chính sách cho DNNN theo cơ chế thị trường
Tạo chính sách cho DNNN theo cơ chế thị trường
Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cho biết trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, khối DNNN đã vừa tham gia sản xuất đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch được giao, vừa thực hiện hỗ trợ, tham gia công tác chống dịch nhưng vẫn có được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, hiệu quả của DNNN không như mong muốn, hiệu quả đầu tư của DNNN không như kỳ vọng khi phê duyệt dự án. Một số dự án có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao; một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả.
Số liệu được đưa ra trong báo cáo cho thấy tổng doanh thu năm 2021 của DNNN giữ 100% vốn giảm 12% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế cũng giảm 20% so với năm 2020. Vẫn còn tồn tại nhiều DN có tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu, tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tổng tài sản đạt thấp dưới mức lãi suất gửi tiết kiệm bình quân của ngân hàng (khoảng từ 1- 5%).
Có 84/401 DNNN có lỗ lũy kế nhiều năm liên tiếp và được cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát tài chính theo quy định.
Thực tế DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực DN Việt Nam, đó là các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa (cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất), công nghệ nguồn...
Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo phương thức khép kín, thực hiện gần như toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nội bộ, chưa tạo nhiều điều kiện để DN khác tham gia.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (người thay mặt Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội) chỉ ra những hạn chế lớn. Đó là bản thân DNNN chậm đổi mới, chưa theo kịp và thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế, chính sách quản lý đối với DNNN còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN; hệ thống tiêu chí đánh giá DNNN chưa đầy đủ, DNNN chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường.
Chính vì vậy các DN còn lúng túng trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển… Bên cạnh là quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa đủ tạo động lực để quản lý, lao động tại DNNN cống hiến và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để phát huy hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào DN, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình làm việc để ban hành Luật sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13, nhằm hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại DN đồng bộ với quá trình và nội dung sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Đất đai...
Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 DN đạt mức trên 5 tỷ USD. |