Trong báo cáo về vận tải hàng hải 2020 mới công bố, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết, sự gián đoạn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ khiến thương mại hàng hải toàn cầu giảm 4,1% trong năm 2020. Tuy dự báo kém lạc quan về triển vọng ngắn hạn đối với thương mại hàng hải, nhưng giới chuyên gia lại nhận định ngành vận tải sẽ đi đầu trong các nỗ lực hướng tới phục hồi kinh tế bền vững.
Suy giảm do đại dịch Covid-19
Theo cảnh báo của UNCTAD, làn sóng thứ 3 dịch Covid-19 có thể tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng và dẫn đến sự suy giảm mạnh hơn cho nền kinh tế. Tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường vận tải biển, vốn chuyên chở phần lớn hàng hóa chế tạo, bán lẻ toàn cầu, là rất rõ ràng với những làn sóng chấn động thông qua chuỗi cung ứng, mạng lưới vận chuyển và cảng. Hàng loạt các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản… phải đóng cảng, dẫn đến khối lượng hàng hóa giảm mạnh và làm lu mờ triển vọng tăng trưởng.
Còn theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra trước đó, nếu như dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,5%. Theo ước tính của Công ty Sea-Intelligence, các hãng tàu lớn nhất thế giới sẽ phải chịu tổn thất từ 800 triệu USD cho tới 23 tỷ USD trong năm 2020, tùy thuộc vào tác động kinh tế mà các biện pháp đóng cửa, kiềm chế dịch Covid-19 gây ra.
Mặc dù theo báo cáo, triển vọng ngắn hạn đối với thương mại hàng hải đang rất kém lạc quan, trong khi việc dự đoán tác động lâu dài hơn của đại dịch cũng như thời gian và quy mô phục hồi của ngành đang rất mù mờ, UNCTAD kỳ vọng tăng trưởng thương mại hàng hải sẽ phục hồi và tăng trưởng 4,8% vào năm 2021 dựa trên giả định sản lượng kinh tế thế giới phục hồi.
Cần thay đổi...
Theo Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi, ngành vận tải hàng hải sẽ đi đầu trong các nỗ lực hướng tới phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, UNCTAD nhấn mạnh, ngành vận tải biển cần chuẩn bị cho sự thay đổi để sẵn sàng cho một thế giới hậu Covid-19 với nhiều sự khác biệt. Hiện tại, để đối phó với sự gián đoạn liên quan đến đại dịch, một số quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách thông qua các cơ quan biên giới, cảng vụ và hải quan để đảm bảo lưu thông thương mại trong khi vẫn giữ an toàn cho người dân.
Theo báo cáo, đại dịch đã củng cố lĩnh vực số hóa và loại bỏ thủ tục giấy tờ trong ngành vận tải biển, bao gồm cả tại các cảng, củng cố nhu cầu về các tiêu chuẩn và khả năng tương tác trong tài liệu điện tử. Nhiều biện pháp tạo thuận lợi thương mại được thực hiện trong thời kỳ đại dịch đòi hỏi phải đầu tư hơn nữa vào số hóa và tự động hóa. Chấp nhận bản sao kỹ thuật số thay vì bản gốc, thanh toán điện tử và tự động hóa hải quan đều giúp tăng tốc thương mại quốc tế. Đại dịch cũng cho thấy quá trình số hóa đi kèm với rủi ro an ninh mạng gia tăng, với khả năng làm tê liệt chuỗi cung ứng và dịch vụ trong thương mại hàng hải toàn cầu.
Mặt khác, theo Giám đốc công nghệ và hậu cần của UNCTAD Shamika N. Sirimanne, các chính sách phục hồi hậu Covid-19 cần hỗ trợ tiến bộ hơn nữa đối với các giải pháp phục hồi kinh tế xanh và bền vững trong bối cảnh đặc thù của ngành này là thải khí carbon ra môi trường rất nhiều. Báo cáo nhận xét, đại dịch cho thấy thế giới dường như không được chuẩn bị như thế nào khi đối mặt với cuộc khủng hoảng như vậy. Chính vì vậy mà nhu cầu cấp thiết sau hậu đại dịch cần đầu tư vào quản lý rủi ro và chuẩn bị ứng phó khẩn cấp trong vận tải và hậu cần.