NIM đang co lại
Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành cũng như tăng trần lãi suất huy động hai lần trong vòng 1 tháng, các NH đã đua nhau đẩy lãi suất huy động lên mức kịch trần.
Thực ra, lãi suất huy động tăng không chỉ vì NHNN tăng lãi suất điều hành mà do NHTM đã khát vốn trong các tháng đầu năm. Gần cuối tháng 10, huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,8% so với đầu năm. Cùng thời gian, tín dụng tăng đến 11,5%. Phần chênh lệch này tạo ra sức ép buộc các NHTM phải tăng cường huy động để đảm bảo tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) nằm trong quy định.
Ở thời điểm này, cạnh tranh đẩy lãi suất huy động lên kịch trần càng ngày càng gay gắt. Lãi suất trên 9%/năm đã lan rộng đến kỳ hạn 6 tháng, thay vì ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên như vài tuần trước.
Chẳng hạn SCB trả lãi suất 9,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng khi gửi online, kỳ hạn 13 tháng là 10,5%/năm. NH số Cake by VPBank huy động kỳ hạn 6 tháng 9,5%/năm, trong khi kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng là 9,7%/năm. Còn nhiều NH khác nằm trong nhóm có lãi suất 6 tháng lãnh lãi cuối kỳ 9,3% như GPBank, MSB 9,2%/năm; Kienlongbank, PGBank, VietBank, BaoVietBank 9,1%/năm; OceanBank, OCB 9%/năm.
Lãi suất huy động tăng khá nhanh, trong khi lãi suất cho vay bị “kiềm hãm” bởi chính sách của NHNN, tức vẫn có sự điều chỉnh tăng nhưng không nóng như lãi suất huy động. Trong khi đó, NIM của các NHTM đã đi vào vùng giảm. Một số thống kê cho thấy, NIM quý III-2022 so với cùng kỳ năm 2021 của VPBank giảm 0,96%, TPBank giảm 0,28%, BacABank giảm 0,14%, Techcombank giảm 0,13%... Và đương nhiên hệ số NIM giảm tác động trực tiếp đến lợi nhuận của các NH.
Tại ABBank, một số chỉ tiêu kinh doanh đến cuối quý III chưa đạt như kỳ vọng, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận đạt 1.702 tỷ đồng, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và mới hoàn thành 55% kế hoạch năm 2022. Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng Giám đốc ABBank, quý III-2022, hoạt động ngành NH đã chịu áp lực khi NIM có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022.
Huy động vốn có kỳ hạn khó khăn, đồng thời tiền gửi không kỳ hạn của các NH cũng không khả quan hơn. Trong số các NHTM đã công bố báo cáo tài chính quý III-2022, đã có đến 18 NH ghi nhận giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA), với tỷ lệ giảm gần 67% trong 9 tháng. Diễn biến này không chỉ xảy ra ở nhóm các NH nhỏ và vừa, mà ngay cả các NHTMCP dẫn đầu về CASA trước đây cũng không tránh khỏi vòng xoáy sụt giảm.
Vài năm gần đây, đi liền với chính sách ổn định cũng như giảm lãi suất cho vay của cơ quan quản lý, tiền gửi không kỳ hạn đã trở thành một phần quan trọng trong huy động vốn của các NHTM. Nhà băng nào có tỷ lệ CASA cao càng giảm được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thể cải thiện NIM, tăng lợi nhuận.
Lãi suất vay năm tới sẽ phải tăng
Lãi suất vay năm tới sẽ phải tăng
Mới đây, Vietcombank công bố giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho các DN và cá nhân hiện hữu. HDBank cũng thông báo giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với cá nhân và DN ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng. Đây là một tin vui ngược dòng giữa lúc các nhà kinh doanh đang lo ngại lãi suất cho vay tăng. Song thời gian giảm lãi này khá ngắn, chỉ từ 1-11 đến hết 31-12-2022 và có chọn lọc.
Như vậy giảm lãi lúc này cũng chỉ là một thông tin động viên khách hàng trong ngắn hạn, chưa đồng loạt và như kỳ vọng. Song cũng khó có sự giảm rộng rãi trên toàn hệ thống, vì hiện tại room tín dụng đã cạn kiệt và NH đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận theo chỉ tiêu đặt ra trước đại hội cổ đông.
Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2022, đến năm 2023 vốn sẽ lại chảy vào DN khi NHNN cấp room tín dụng mới. Theo TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia tài chính NH, với các quy định của NHNN cũng như diễn biến của thị trường tài chính gần đây, qua năm 2023 sẽ có sự khả quan cho các DN sản xuất kinh doanh, vì các NHTM sẽ ưu tiên vốn cho lĩnh vực này thay vì cho vay các lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Nhưng lãi suất cho vay thế nào còn phụ thuộc vào nguồn vốn huy động.
Đồng thời, DN cũng sẽ khó kỳ vọng có vốn đầu tư dài hạn vì NH đang tập trung hút vốn ngắn hạn, trong khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các NH đang trong lộ trình siết lại theo quy định của NHNN để đảm bảo an toàn hệ thống.
Như vậy năm 2023, áp lực đối với lãi suất cho vay rất lớn. Dĩ nhiên, NH vẫn sẽ tìm kiếm lợi nhuận qua các kênh phi tín dụng, nhưng suy cho cùng nguồn thu chính của NH vẫn là từ tín dụng. Muốn có tiền để cho vay, NH sẽ còn tiếp tục chạy đua huy động.
Và để hút vốn, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đã nâng kịch trần cho phép, kỳ hạn 6 tháng chạm mốc 9%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng nhiều nơi lên đến 10%/năm. Ở một mặt bằng như thế, rất khó kỳ vọng lãi suất vay thấp trong năm tới, vì NH còn phải cân đối NIM vốn dĩ đang sụt giảm như kể ở trên.
Để giảm áp lực lãi suất cao cho các DN, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, NHNN cần hỗ trợ thanh khoản cho NHTM, tức có thể sử dụng cơ chế cho vay đặc biệt với lãi suất thấp và thời hạn ngắn. Vì việc các NH đang chạy đua lãi suất để giải quyết thanh khoản không phải là điều tích cực, lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên cao, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là giữ lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế.
Ở thời điểm này, cạnh tranh đẩy lãi suất huy động lên kịch trần càng ngày càng gay gắt. Lãi suất trên 9%/năm đã lan rộng đến kỳ hạn 6 tháng, thay vì ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên như vài tuần trước. |