Đà tăng ngày càng rõ rệt
Mỗi cuối tháng, CTCK Bảo Việt (BVSC) đều thông tin về diễn biến của LSHĐ dựa trên mẫu theo dõi của họ. Nhìn lại các báo cáo này trong 7 tháng qua, LSHĐ chỉ đi ngang trong tháng 2, 6 tháng còn lại đều được BVSC nhận định tăng nhẹ. Mức tăng nhẹ mỗi tháng cộng dồn cho đến nay đã hình thành nên mặt bằng lãi suất mới.
Cụ thể, trong năm 2021 trung bình LSHĐ kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tăng nhẹ 0,05% và 0,04%, lần lượt ở mức 4,76% và 5,55% tại thời điểm cuối tháng 12. So với cuối năm 2020, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng năm ngoái giảm lần lượt 0,27% và 0,28%.
Ngược lại, với đà tăng liên tục trong năm 2022, đến cuối tháng 7, trung bình LSHĐ 12 tháng đã ở mức 5,77%, tăng 0,22% so với cuối năm 2021, còn kỳ hạn 6 tháng cũng tăng thêm 0,24%.
Khảo sát tại từng NH, mức tăng LSHĐ dành cho khách hàng cá nhân rất đáng kể. Gần nhất là biểu lãi suất được áp dụng từ tháng 8 đã tăng 0,1-0,65% so với tháng trước. Trong đó, VPBank tăng 0,4% ở kỳ hạn 6 tháng, lên 5,2%/năm. Techcombank đồng loạt tăng ở các kỳ hạn 3, 6, 12, 24 tháng thêm 0,1-0,5%; mức tăng 0,5% được áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng, lên 5,25%.
MB điều chỉnh kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,43%, lên 4,87%/năm. ACB, Sacombank, ABBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,5% ở một số kỳ hạn. Hiện tại, một số NH huy động lãi suất gửi tiền kỳ hạn 6 tháng rất cao, như CBBank 7,1%/năm, NCB 6,5%/năm, BacABank 6,35%/năm… Ở kỳ hạn 12 tháng, LSHĐ dao động 5,5-6,9%/năm, nếu gửi tiết kiệm online lãi 7%/năm.
Tại nhiều NHTMCP quy mô nhỏ cũng áp dụng mức 7-7,5%/năm kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Đà tăng của LSHĐ cũng thể hiện ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, vốn vẫn “bình chân như vại” với diễn biến lãi suất chung. BIDV công bố biểu LSHĐ mới áp dụng từ tháng 6 với mức tăng 0,1% ở các kỳ hạn dài lên 5,6%/năm. Đây là lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên của BIDV kể từ tháng 8-2021, cũng là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ cuối năm 2019 đến nay, vì các lần điều chỉnh trước đó đều theo hướng giảm.
Cuối tháng 7, Vietcombank cũng cập nhật biểu LSHĐ mới lần đầu tiên kể từ tháng 7-2021, với mức tăng ở cả 2 hình thức gửi tại quầy và online thêm 0,1-0,2%.
Áp lực cân bằng tỷ lệ vốn ngắn và dài
LSHĐ tăng là lẽ đương nhiên khi nhìn vào diễn biến tăng trưởng cho vay và huy động vốn, khi tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế đi đôi với nhu cầu vay vốn tăng lên. NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 26-7 đạt 9,42% so với đầu năm, tăng 17% so với cùng kỳ 2021.
Trong khi đó, huy động vốn của hệ thống NH lũy kế 7 tháng ước tăng 4,21%, chưa được một nửa tỷ lệ tăng tín dụng. Chênh lệch tăng trưởng huy động - tín dụng thể hiện rõ trên báo cáo tài chính của các NHTM.
SeABank huy động vốn tăng 6,3% nhưng tín dụng tăng 15%. OCB cho vay tăng 7,4% nhưng tiền gửi khách hàng giảm 2,3%. Điều này cho thấy các NH đang rơi vào áp lực vốn cho vay tăng cao nhưng nguồn huy động không đủ đáp ứng, buộc phải tăng LSHĐ.
Đó là trên thị trường 1. Trên thị trường liên NH (thị trường 2), việc NHNN bán ngoại tệ và hút ròng với khối lượng lớn qua thị trường mở nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, đã khiến lãi suất liên NH (LSLNH) tăng mạnh trong tuần cuối tháng 7, lên mức cao nhất trong vòng 3 năm.
Nhiều dự báo cho rằng LSLNH sẽ khó quay lại mặt bằng thấp như trong tháng 6 mà sẽ về quanh mức trung bình trong giai đoạn cuối năm 2019 (3-4%/năm) trong các tháng tới. Song ngay cả trong trường hợp LSLNH giảm nhiều, đồng nghĩa với thanh khoản hệ thống dồi dào, phần thanh khoản này cũng ở kỳ hạn siêu ngắn, chỉ đáp ứng nhu cầu về cân bằng tỷ lệ dự trữ của các nhà băng.
Còn trên thực tế, các khoản vay mượn trên liên NH khó bù đắp được sự chênh lệch huy động và tín dụng đang giãn rộng bởi tín dụng cấp ra nền kinh tế dài hơi hơn. Do đó, các NH vẫn phải tăng lãi suất để hút vốn.
Nguyên nhân nữa tác động đến lãi suất là việc các NHTM vẫn chủ yếu huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Ở đây có thể nhìn vào thông tin Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) ngày 14-7. Số liệu công bố cho thấy, đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng với lĩnh vực BĐS 2,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm ngoái.
Theo Thống đốc, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung với nền kinh tế. Khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS có thời gian 10-25 năm, ngược lại nguồn vốn huy động của NH có đến 80% là tiền gửi ngắn hạn.
Chênh lệch này đồng nghĩa các NHTM phải liên tục huy động để cân bằng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm tránh rủi ro thanh khoản. Hơn nữa, theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn hiện tại áp dụng ở mức 37%, nhưng từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 30-9-2023 giảm còn 34%. Đây cũng là một trong các yếu tố khiến các NH buộc phải tăng LSHĐ để cân bằng các chỉ số.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cần thiết phải làm để bảo đảm an toàn, giảm dần gánh nặng vốn trung và dài hạn của NHTM. Nếu vẫn để NHTM đảm đương vai trò vốn trung và dài hạn và cứ nới trần lấy ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, có nghĩa để các NH nuôi rủi ro.
Đặt trong bối cảnh như vậy, khi sự cạnh tranh của các kênh chứng khoán, BĐS đã hạ nhiệt so với năm ngoái, LSHĐ vẫn nóng lên từng ngày. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định trong năm nay LSHĐ có thể tăng thêm 1% và lãi suất cho vay sẽ tăng 1-2% từ nay đến cuối năm. Diễn biến này rất bất lợi đối với doanh nghiệp nhỏ.
Bởi không chỉ LSHĐ tăng, các NH còn đang chờ nới room, trong khi NHNN sẽ không rộng tay để kiểm soát lạm phát. Đồng nghĩa nhóm doanh nghiệp nhỏ sẽ tiếp cận vốn khó hơn, và nếu tiếp cận được có thể chịu lãi suất cao hơn.