Đây là một trong những nhận định trong bài phân tích về “Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam” vừa được ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital công bố.
Chính phủ chủ động trong điều hành kinh tế, GDP hồi phục trong nửa cuối năm
Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 8% vào năm 2022 xuống chỉ còn 3,3% trong quý I-2023 buộc Chính phủ phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, bao gồm cắt giảm thuế, chính sách tiền tệ và các biện pháp hành chính nhằm giảm bớt những khó khăn hiện tại của thị trường bất động sản (BĐS).
Theo ông Michael Kokalari, những giải pháp tức thời này cho thấy Chính phủ đang chủ động giải quyết tình trạng tăng trưởng chậm hiện nay và có nguồn tài chính dồi dào để đối phó với bất kỳ trở ngại tăng trưởng nào tiếp diễn. Hiện tỷ lệ nợ Chính phủ trên GDP của Việt Nam chỉ là 40% vào cuối năm 2022.
"Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, mặc dù Chính phủ sẽ khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay", Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital nhận định.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay chậm lại một phần là do nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” của người tiêu dùng Mỹ giảm. Đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI ở Việt Nam có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm và sẽ giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi vào cuối năm nay.
Sản xuất đóng góp gần 1/4 GDP của Việt Nam và sản lượng giảm nhẹ trong quý I so với mức tăng trưởng 9% vào năm 2022 do hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác.
Đáng chú ý là tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại, ngoại trừ các quốc gia nhỏ như Hồng Kông hay Singapore. Vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ trong quý I, do xuất khẩu sang Mỹ giảm 20%. Trong khi đó, hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và các doanh nghiệp tiêu dùng khác như Nike và Lululemon hiện đang giảm. Vì vậy, kỳ vọng đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay.
Theo chuyên gia Michael Kokalari, tiêu dùng nội địa ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và người tiêu dùng vẫn duy trì niềm tin vững chắc bất chấp tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh. Một phần trong đó là do số người có việc làm tăng hơn 2% so với cùng kỳ trong quý I, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số của cả nước và ước tính thu nhập tăng hơn 7% so với cùng kỳ, vượt xa con số lạm phát chỉ hơn 3%.
Ngoài ra, lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng vọt lên hơn 60% so với mức trước Covid trong quý I, mặc dù trên thực tế khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa ồ ạt quay trở lại Việt Nam. "Đó là một lý do khác khiến chúng tôi có thêm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm", ông Michael Kokalari khẳng định.
Nới lỏng chính sách tiền tệ, tiền sẽ quay lại với CK
Lãi suất huy động ở Việt Nam đã tăng hơn 200 điểm cơ bản vào năm 2022, lên hơn 8% đối với kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm 2022, mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đã tăng lên hơn 9,5% vào cuối năm 2022. Lãi suất huy động tăng cao là yếu tố gây thêm khó khăn cho thị trường BĐS, cộng thêm các vấn đề hành chính nêu trên đang cản trở sự phát triển của ngành này.
Theo ông Michael Kokalari, ở Việt Nam, lãi suất cho vay mua nhà được tham chiếu theo lãi suất tiền gửi dài hạn và lãi suất huy động cao khuyến khích mọi người gửi tiền vào ngân hàng (NH) thay vì tìm kiếm các khoản đầu tư khác. Ví dụ như đầu tư BĐS hay CK.
"Chúng tôi tin rằng mức trung bình của lãi suất huy động 12 tháng giảm 200 điểm cơ bản so với lãi suất của đầu năm nay (xuống khoảng 6%) để thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phục hồi và hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung. NHNN gần đây đã cắt giảm lãi suất chính sách 50-100 điểm cơ bản và đã gây áp lực giảm lên lãi suất huy động dài hạn, vốn đã giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với đầu năm, nhưng để lãi suất tiền gửi giảm hơn nữa, thanh khoản trong hệ thống NH sẽ cần phải cải thiện đáng kể", chuyên gia từ VinaCapital nhận định.
Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam cao hơn tăng trưởng tiền gửi khoảng 3% hàng năm trong vài năm qua. Điều này đã đẩy tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các NH lên mức quá cao, khiến các nh phải tăng lãi suất tiết kiệm để tăng lượng tổng huy động. Chính phủ đang giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản bằng một số cách, trong đó cách quan trọng nhất là mua USD từ các NH thương mại để tăng dự trữ ngoại hối.
Chuyên gia Michael Kokalari kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm nay, điều này sẽ bơm thanh khoản vào hệ thống NH một cách đáng kể có khả năng thúc đẩy tiền gửi trên toàn hệ thống tăng trưởng thêm 4% trong năm nay, giả thiết các điều kiện khác không đổi, vì NHNN thường mua USD từ các NH thương mại trong nước với VND được in mới.
Tóm lại, việc NHNN mua dự trữ ngoại hối, cùng với các biện pháp khác mà Chính phủ đang thực hiện để hỗ trợ thanh khoản cho NH là những biện pháp nới lỏng tiền tệ quan trọng hơn so với chính sách cắt giảm lãi suất của NHNN vào tháng trước.
Cuối cùng, NHNN đã cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với mức lãi suất huy động tối đa áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng vào tháng trước. Lãi suất tiền gửi ngắn hạn ở Việt Nam đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022 và việc cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 3 sẽ gây thêm áp lực cho lãi suất huy động giảm.
"Phần lớn tiền gửi ở Việt Nam có kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng. Do đó, trong quý II và III sẽ có nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và người gửi tiết kiệm sẽ phải lựa chọn tái tục tiền gửi với lãi suất thấp hơn hoặc dùng số tiền đó đầu tư vào TTCK", ông Michael Kokalari dự báo.