Làm rõ trách nhiệm và xử lý việc phân lô, bán nền ở Lâm Đồng

(ĐTTCO)Thực tế việc “hiến đất làm đường,” một nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng nhưng lại bị biến tướng thành công cụ cho việc lách luật để phân lô, bán nền nhằm tìm kiếm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Với quy mô hơn 40hecta, dự án này được chia thành nhiều phân khu với các tuyến đường trải nhựa và được đặt tên đường nội bộ. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Với quy mô hơn 40hecta, dự án này được chia thành nhiều phân khu với các tuyến đường trải nhựa và được đặt tên đường nội bộ. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Trong khi bản kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ những sai phạm liên quan đến việc hiến đất làm đường nhằm phân lô, bán nền ở thành phố Bảo Lộc còn chưa “ráo mực,” ngay trong thời điểm phóng viên TTXVN đi thực hiện tuyến bài này, Thanh tra tỉnh tiếp tục vào cuộc, làm rõ việc hiến đất mở đường, phân lô tách thửa tại huyện Bảo Lâm.

Thực tế này cũng chứng minh việc “hiến đất làm đường,” một nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng nhưng lại bị biến tướng thành công cụ cho việc lách luật để phân lô, bán nền nhằm tìm kiếm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Thanh tra việc phân lô, bán nền ở Bảo Lâm

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, từ ngày 24/11 vừa qua, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm liên quan đến nội dung báo chí phản ánh việc hiến đất mở đường, phân lô tách thửa của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện này.

Trước đó, ngày 23/11 vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm đã có công văn phúc đáp thông tin báo chí liên quan đến các công trình, dự án bất động sản và công tác quản lý đất đai tại địa phương. Theo đó, huyện Bảo Lâm khẳng định trong thời gian qua, địa phương này chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn.

Cũng theo Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm, việc hiến đất của người dân chủ yếu để mở đường giao thông nhằm thuận tiện trong vận chuyển, đi lại và đấu nối với đường giao thông nông thôn tại khu vực.

Sau đó, các trường hợp phù hợp quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch đất ở) và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt người dân sẽ lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập thủ tục tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất theo đúng quy trình. Trong đó, huyện Bảo Lâm có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khi có đủ điều kiện quy hoạch là đất ở. Việc tách thửa đất do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên hệ, đăng ký nội dung làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng về quy trình thực hiện tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số lượng lớn trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm. Đây cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm và đang chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng.

Thuyên chuyển, xử lý nhiều cán bộ

Tại thành phố Bảo Lộc, sau kết luận của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng hồi tháng 10/2021, địa phương này đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn. Trong đó, hàng loạt cá nhân, tập thể đã bị kiểm điểm do các vi phạm liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý sử dụng đất và công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn Bảo Lộc.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc, địa phương đã tổ chức kiểm điểm cá nhân vi phạm liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đối với Trưởng phòng Quản lý đô thị Bảo Lộc Bùi Thanh Chung, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã ĐamB’ri Nguyễn Văn Hán, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã ĐamB’ri Nguyễn Mạnh Hùng, đều nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Riêng ông Phùng Khắc Cương (công chức địa chính xã ĐamB’ri) và bà Vũ Thị Thìn (công chức địa chính Phường 1) nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo; ông Đậu Ngọc Giang (công chức địa chính Phường 2), kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương.

Van
Một khu vực được thi công rầm rộ, san gạt, làm đường nội bộ ngay tại trung tâm thành phố Bảo Lộc (đoạn hẻm Phùng Hưng, đường Phan Đình Phùng, phường Lộc Tiến, trong ngày 17/11 vừa qua. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc cũng trình Thành ủy Bảo Lộc cho chủ trương chuyển đổi công tác đối với các ông: Đậu Công Hải (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Bảo Lộc), Bùi Thanh Chung (Trưởng phòng Quản lý đô thị Bảo Lộc), Nguyễn Văn Hán (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã ĐamB’ri nhiệm kỳ 2016-2021). Đồng thời, thành phố Bảo Lộc cũng thực hiện thuyên chuyển vị trí công tác đối với 4 công chức của 4 xã, phường gồm xã ĐamB’ri, phường 1, phường 2 và phường Lộc Phát.

Tuy nhiên, theo dư luận tại địa phương, cần có biện pháp mạnh hơn trong việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm. Trong Kết luận thanh tra số 121/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ, Chủ tịch và nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc (theo thời gian giữ chức vụ) chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với các tồn tại, hạn chế trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc (theo thời gian giữ chức vụ, được phân công phụ trách lĩnh vực) chịu trách nhiệm đối với các tồn tại, sai phạm theo các lĩnh vực được phân công phụ trách.

Thanh tra tỉnh cũng nhấn mạnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh trong công tác tham mưu, chỉ đạo hoạt động của ngành; đặc biệt là việc chỉ đạo áp dụng quy định về “tặng cho” quyền sử dụng đất chưa đúng quy định của pháp luật nhưng không có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời.

Việc thực hiện kết luận của Thanh tra tỉnh công bố tháng 10 vừa qua cũng là câu hỏi mà phóng viên TTXVN đã chuyển đến Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng và đang chờ câu trả lời.

Các tin khác