Lặng lẽ Phó Bảng

(ĐTTCO) - Lặng đứng giữa lòng Phó Bảng, tự dưng cứ thấy ngậm ngùi. “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, đâu rồi những nhộn nhịp vàng son một thuở? 
Đâu rồi những cửa hàng cửa hiệu giàu có tưng bừng nơi thị trấn Phó Bảng đông đúc xưa kia? Như cô gái đã qua thời xuân sắc, Phó Bảng bây giờ mấy ai biết mà yêu.
1. Đến Hà Giang bao nhiêu lần, nhưng tôi cứ lười biếng bỏ qua Phó Bảng. Chỉ mơ hồ trên đường từ thị trấn Đồng Văn qua Sà Phìn thăm dinh nhà Vương để vòng trở lại huyện Yên Minh, có một tấm bảng chỉ đường về Phó Bảng. Nhưng rồi xe cứ thản nhiên chạy qua, để rồi thân thuộc với Hà Giang lắm mà vẫn chưa rành Phó Bảng ra sao.
Trong một chuyến thong thả, thảnh thơi hơn, tôi quyết định đi vào Phó Bảng và chợt thấy hối tiếc bao nhiêu lần lên với cao nguyên đá Hà Giang, tại sao mình hờ hững với Phó Bảng đến vậy.
Nhất là khi vô tình được biết Phó Bảng đã từng là thủ phủ của huyện Đồng Văn, đã từng vô cùng đông đúc và nhộn nhịp trong quá khứ, thậm chí có giai đoạn nơi đây còn là vùng đất nóng bỏng giáp biên với sự trà trộn của phỉ vào dân lành, với việc buôn bán thuốc phiện ồn ào suốt ngày đêm và là đầu mối giao thương sôi động vùng cao nguyên đá với Trung Quốc. Nhưng khi thủ phủ của huyện chuyển về thị trấn Đồng Văn, Phó Bảng cũng dần chìm vào quên lãng…
Từ Sà Phìn sang Phó Bảng (nhiều người tiện mồm gọi Phố Bảng cho dễ phát âm) không xa nhưng đường đi chênh vênh không tả nổi. Có cảm giác bao nhiêu hiểm trở đều dồn hết lại đây. Và đá trải ra trước mắt thì trời ơi là đá! Không có gì khác ngoài đá. Lô nhô. Điệp trùng. Bạt ngàn. Đến ngã ba Sủng Là - Phó Bảng, rẽ trái là lên Phó Bảng. Gọi là “lên” bởi Phó Bảng ở cao hơn thung lũng Sủng Là, cao hơn cả thị trấn Đồng Văn.
Vào những ngày trời mù phải rẽ mây để đi. Con đường vào Phó Bảng cũng phải rẽ đá mà trườn. Qua chừng 5km đường hun hút giữa một trời đá dựng, bất ngờ hiện ra cả một thung lũng hoa hồng. Phó Bảng đón khách bằng màu hoa đằm thắm ấy. Những vạt đất hiếm hoi nằm trọn trong thung lũng được người dân trồng ngập hoa hồng.
Nơi đây cung cấp hoa cho cả thành phố Hà Giang. Những bông hồng Phó Bảng không mập mạp được như hồng Đà Lạt, cho dù Phó Bảng cũng ngập trong mây và sương, cũng lạnh giá và cũng cao cheo leo, nhưng hoa hồng nơi này sắc thắm, cành vươn khỏe khoắn và có nét duyên riêng. Đang miên man giữa màu đá xám mênh mông, những ruộng hoa hồng Phó Bảng thực sự là điểm nhấn đẹp ngỡ ngàng. Qua thung lũng hoa hồng ngát hương ấy, thị trấn Phó Bảng xa xưa hiện ra lặng lẽ, khiêm nhường.
Lặng lẽ Phó Bảng ảnh 1 Phó Bảng một thời nhộn nhịp đang bị lãng quên. 

2.
Con đường độc đạo xuyên suốt Phó Bảng ngắn như một hơi thở nhẹ. Cả thị trấn cũ xưa này chỉ có chừng dăm chục nóc nhà, nằm mơ mơ dưới màn sương mỏng. Thanh âm đặc trưng nhất ở đây có lẽ là tiếng gió núi giữa lưng chừng trời. Những ngôi nhà Phó Bảng hầu hết là nhà xưa - tường trình đất nứt ra từng kẽ ngoằn ngoèo như ruộng hạn, mái ngói âm dương rêu phong xám mốc im lìm.
Trước hiên nhà có giàn gác gỗ, treo đầy những túm ngô vàng óng và chất đầy củi khô dự trữ. Xưa kia, thị trấn Phó Bảng chủ yếu là người Hoa và người Mông sinh sống. Cả trăm năm trôi qua, giờ đây Phó Bảng vẫn gần như vẹn nguyên thế. Nếu không có trường mầm non, trường tiểu học được xây mới và một số ngôi nhà hai tầng, ba tầng hiện đại mọc lên, Phó Bảng có lẽ hoàn toàn là một miền ký ức đang hiện về trước mắt.
Những cánh cửa gỗ cũ kỹ dán câu đối tiếng Hoa nửa khép hờ, nửa mở vào quá vãng xa xôi. Những cột gỗ trước nhà âm thầm kể chuyện hàng mấy trăm năm sương và gió trôi qua Phó Bảng để lại màu xám mốc cũ càng. Phố huyện xưa nép mình dưới bóng núi đá sừng sững. Con đường ngắn ngủi không trải nhựa cũng không trải bê tông mà xam xám màu đá dăm lặn trong những thớ đất hiếm hoi của cao nguyên đá. Không vỉa hè, những ngôi nhà mở cửa thẳng ra đường.
Thời gian như dừng lại vĩnh viễn ở đây. Chỉ có thể đi bộ dọc Phó Bảng vì con phố không đủ dài cho một lần vặn tay ga xe máy hay một lần nhấn chân ga ô tô. Đặt chân đến Phó Bảng đã có cảm giác không được nhanh, không được vội vàng. Ngay cả bước chân cũng cần gượng nhẹ. Chỉ một gót giày bước mạnh cũng đủ khua náo động phố nhỏ này. Hai bên phố, trước cửa những ngôi nhà cổ phơi đầy những nong dưa cải đã ủ chua, thái nhỏ. Mùi cải chua hăng hăng, nồng nàn.
Thi thoảng, ngoài hiên những căn nhà gỗ nhỏ có cô gái đang mải miết cúi đầu bên chiếc máy khâu đã cũ. Nắng ở đây cũng chậm, nửa ngày mà còn dùng dằng chưa chiếu hết con phố. Những ánh mắt trẻ thơ trong veo nép trong khe cửa im lặng nhìn ra. Không một cửa hàng, cửa hiệu. Không một tiếng động cơ xe. Bên cạnh những ngôi nhà, thi thoảng có thấy dựng chiếc xe máy, nhưng chắc chắn chỉ dùng để đi xa. Đi từ đầu đến cuối Phó Bảng, chỉ đôi chân thôi cũng đã thấy quá dư thừa.
Phó Bảng có nhiều cây đào cổ thụ. Nhưng đào ở đây cũng sống thật chậm với thời gian vô tận. Cuối năm, đào ở khắp mọi nơi đang khoe sắc thắm. Ngay cả những nơi không khí lạnh như Lào Cai, Lai Châu, trên những đỉnh núi cao nhất thường xuyên có băng tuyết vào mùa đông, hoa đào cũng hồng chúm chím, nhưng ở Phó Bảng những cây đào còn trong giấc “ngủ đông” lặng dài. Những cành xám mốc, trụi lá im lìm trong sương. Nhìn kỹ, có nhiều chồi nụ lấm tấm trên cành, nhưng năm nào cũng thế, phải gần hết tháng giêng, đào Phó Bảng mới xòe hoa.
Đến Phó Bảng tự nhiên thấy lòng chùng lại. Chỉ thong thả tản bộ dọc con phố cổ tích này, nhẩn nha ngắm cảnh, ngắm người, thấy nhẹ lòng bao nhiêu. Hình như những ưu phiền, toan tính đã rớt lại đằng sau, xa lắm. Bao nhiêu hối hả, sôi động của cuộc sống hiện đại không tìm được đường vào đến nơi này. Những vòng cung núi đá ôm trọn Phó Bảng, chở che cho Phó Bảng trước bao bão giông, biến động của cuộc đời.
Dẫu ra ngoài thị trấn, chỉ đi chừng 3km nữa thôi sẽ đến cửa khẩu Phó Bảng, nơi giao thương Việt Nam - Trung Quốc, có nhiều xe ô tô tải chất đầy hàng hóa đang chờ đến lượt thông quan, nhịp sống khác đi thật nhiều; thì ở giữa lòng thị trấn cổ xưa này, thời gian vẫn còn ngưng đọng mãi. Sống chậm thôi mới thấy được hương hoa đang theo gió nhẹ đưa vào. Sống chậm thôi mới thấy thời gian nhón gót thật khẽ khàng trên từng mái ngói âm dương. Sống chậm thôi mới yêu được hết những cổ kính, xưa cũ nơi này. Sống chậm thôi mới nếm được vị thời gian ngọt ngào trong sương núi. Sống chậm thôi mới rõ là mình đang sống…
Rời Hà Giang, cứ nặng lòng nhớ thương Phó Bảng, nhớ thương một nẻo đường quên giữa điệp trùng đá dựng. Nhớ thương như thương nhớ tuổi thơ, chớp mắt mà đã rời bỏ ta vĩnh viễn, làm cách nào cũng không thể quay trở lại. Nhớ thương như thương nhớ những tháng ngày huy hoàng đã mất. Nhớ thương như nhớ thương chính mình đã xa cái thuở má còn hồng và mắt đang trong. Chỉ còn lại những âu lo, nhọc nhằn, cũ kỹ…

Các tin khác