Làng tranh tre hun khói

Bắc Ninh vốn nổi tiếng với những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm, nên có lẽ ít ai biết được nơi đây cũng là quê hương của một loại tranh đặc biệt: tranh tre hun khói. Đi dọc từ Bắc vào Nam không tìm được nơi đâu có làng nghề làm tranh tre như Xuân Lai. Sắc tranh đơn thuần chỉ có màu vàng của ruột tre quyện với gam màu nâu, đen của khói làm xiêu lòng biết bao người.

Bắc Ninh vốn nổi tiếng với những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm, nên có lẽ ít ai biết được nơi đây cũng là quê hương của một loại tranh đặc biệt: tranh tre hun khói. Đi dọc từ Bắc vào Nam không tìm được nơi đâu có làng nghề làm tranh tre như Xuân Lai. Sắc tranh đơn thuần chỉ có màu vàng của ruột tre quyện với gam màu nâu, đen của khói làm xiêu lòng biết bao người.

Những họa sĩ nông dân

Từ nhiều đời nay, làng Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) nổi danh nghề sản xuất những dụng cụ sinh hoạt từ tre, nứa có mẫu mã đa dạng, bền đẹp. Đây cũng là nơi ra đời những bức tranh tre hun khói đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch xã Xuân Lai: “Từ cuối thế kỷ 19, dân làng Xuân Lai đã thành thạo kỹ thuật hun tre để làm các vật dụng bằng tre hun khói như tràng kỷ, dát giường, bàn, ghế... Trải qua hàng trăm năm, tre hun khói đã trở thành thương hiệu riêng, độc đáo của làng. Từ những lớp người già cho đến thế hệ trẻ, hễ là người làng Xuân Lai đều thuộc làu cách hun tre. Trong nhiều làng nghề mây tre đan khác, sản phẩm, đồ gia dụng tre Xuân Lai vẫn nổi bật, tạo được thương hiệu riêng”.

Chị Nguyễn Thị Hà đang khắc tranh trên phên tre.

Chị Nguyễn Thị Hà đang khắc tranh trên phên tre. 

Xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Đình Quang (xóm 2) là một trong những nơi thử nghiệm và làm tranh tre hun khói đầu tiên ở Xuân Lai. Tính đến nay, gia đình anh đã theo nghề tranh được 12 năm. “Trước kia làm dát giường tôi thường vẽ hoa lên trên, giống như cái chiếu. Sau đó khách hàng thường nhờ vẽ hình này hình kia, rồi tôi cùng mấy người trong làng mới nảy ra ý định làm tranh tre. Từ ngày biết làm tranh, gia đình tôi bỏ làm dát giường, còn tôi trở thành họa sĩ bất đắc dĩ” - anh Quang dí dỏm.

Vốn là người thợ đã quen cầm dao khắc, anh bảo vẽ lên tre đơn giản, chỉ việc khắc theo mẫu in sẵn. Mới đầu nhìn mẫu rồi vẽ, dùng dao khắc vài ngày mới xong một bức tranh. Được một thời gian nghĩ ra cách in tranh giống như giấy than, khắc lại bằng dao nhờ những vết mờ đó. Đến bây giờ, những nét vẽ của anh Quang trên phên tre đã gọn gàng, sắc nét và có hồn hơn.

Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ Xuân Lai, tre đã cất tiếng nói kể về cuộc sống. Đó là khung cảnh làng mạc, thôn xóm thanh bình, thơ mộng của làng quê Việt, những mái nhà cổ liêu xiêu của phố Hà Nội ngày trước, ngay cả chuyện “Đánh ghen”, “Đấu vật”, “Hứng dừa”, “Chăn trâu”... cũng bước ra từ tranh Đông Hồ với một sắc thái khác. Để có một bức tranh ưng ý cần trải qua nhiều công đoạn. Ở từng công đoạn, người thợ phải thật cẩn thận vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tranh sau này.

Anh Quang cho biết: “Nghề làm tranh rất kén nguyên liệu, không phải cây tre, cây nứa nào cũng dùng được. Làm tranh chủ yếu dùng nứa, vì lóng nứa dài, thân mỏng dễ làm. Nứa phải chọn cây tươi, da còn xanh và bóng, cây ôi ngả vàng không làm được, nếu cố làm tranh sẽ thâm, không đẹp”.

Bây giờ nguyên liệu khan hiếm, người làng Xuân Lai phải đặt mua tre, nứa tận Cao Bằng, Bắc Kạn. Tre, nứa sẽ được cắt khúc, ngâm xuống ao 6 tháng để chống mối mọt, tăng độ bền cho tranh. Sau đó vớt lên cạo bì (dóc vỏ). Công việc này không khó nhưng cần người thợ cần mẫn vì chỉ cần sót một ít vỏ, khi hun nứa sẽ khó “ăn” màu, vỏ nứa cứng không khắc được tranh còn có thể làm gẫy dao vẽ. Sau khi dóc sạch vỏ, nứa được phơi khô rồi cho vào lò hun trong 5 ngày.

Người thợ dùng rơm trộn đất sét, hun nứa trong lò gạch được trát kín, chỉ có khói không có lửa. Tùy màu sắc điều chỉnh thời gian hun phù hợp. Công đoạn này cần những người thợ giỏi, lành nghề đảm trách để thịt nứa không bị cháy xém. Khi những ống nứa nhuốm màu khói ra lò, người thợ sẽ chẻ thành từng nan nhỏ, ken thành phên. Chỉ khi có được những tấm phên hoàn tất, công việc khắc, cạo tranh, đánh bóng, đóng khung mới tiếp tục được để tạo ra những bức tranh tre hun khói hoàn chỉnh.

Tranh tre hồn Việt

2 năm gần đây, thị trường tranh tre hun khói dần bão hòa. Việc sản xuất chững lại, một số hộ không còn theo nghề nữa, số khác quay về làm đồ nội thất, dụng cụ từ tre, nứa. Ở làng chỉ còn 2 hộ gia đình tiếp tục làm tranh là nhà anh Nguyễn Đình Quang và Trần Văn Kỷ. Nhưng không vì thế mà thanh niên trong làng thờ ơ với nghề làm tranh. Họ tham gia làm tranh như một công việc giúp tạo thêm thu nhập, cũng vừa là thú vui.

Chị Nguyễn Thị Hà (xóm 2, làng Xuân Lai) đã cạo tranh được hơn 10 năm, được coi là một trong những thợ cạo cứng tay của làng. Nói về bí quyết cạo tranh, chị Hà bật mí: “Khi cạo nên cầm dao thấp, đưa thật nhanh nét cạo sẽ thẳng, đều và mịn. Cạo dọc theo thớ nan, từng nan một, cạo theo từng nét vẽ”. Kỹ thuật cạo tranh không khó, chỉ cần học vài lần nhưng đòi hỏi người thợ phải có sáng tạo và “nhạy cảm” với từng bức tranh.

Dễ nhất là cạo trắng, nghĩa là cạo bỏ lớp khói bám để tạo độ sáng cho tranh. Thợ mới học việc đều được học và thực hành từ bước này. Khi đã thành thạo, họ mới được học cách cạo hoa, đánh hoa, đánh đá. Phải đánh thế nào cho từng cánh hoa nổi lên tạo cảm giác một bông hoa đang nở, kỹ thuật đánh tia, bấm vân cho hoa, lá ra sao, rồi khi nào cạo tảng đá theo chiều ngang, chiều dọc... đều dựa vào cảm quan của người thợ.

Qua những đường đưa dao cạo sắc bén, từng mảng màu sáng - tối dần hiện lên phên tre, bức tranh lúc này vừa đẹp dung dị, vừa có hồn. Anh Quang cho biết thêm: “Nhiều khách hàng muốn mua tranh chỉ được làm đến công đoạn này thôi. Họ bảo thích nhìn thấy cả phoi tre còn mắc lại trên tranh, bức tranh lúc này sáng, đẹp giản dị, mộc mạc”. Nhờ sự sáng tạo không ngừng của người thợ trong quá trình lao động, thêm một sản phẩm bằng tre, nứa mang đậm chất Việt Nam được khai sinh. Người Xuân Lai tự hào không có máy móc nào có thể thay thế được đôi bàn tay khéo léo của họ.

“Đã có nhiều người đến giới thiệu máy khắc, có cái hơn trăm triệu đồng nhưng có làm được đâu. Máy tác động nhiệt, làm đến đâu cháy đến đấy, hỏng hết tranh. Tranh này ngoài tay người ra không máy móc nào thay được” - anh Quang khẳng định.

Tuy là làng nghề tre hun khói nổi tiếng, nhưng đến nay Xuân Lai vẫn chưa được công nhận là làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Kim Hùng cho biết: “Lãnh đạo địa phương đều mong muốn làng được cấp giấy chứng nhận làng nghề truyền thống để có tư cách pháp nhân mở rộng đầu tư, xây dựng khu triển lãm, du lịch làng nghề. Có như vậy mới có hướng để phát triển và gìn giữ làng nghề tre Xuân Lai nói chung và tranh tre hun khói nói riêng”.

Các tin khác