Có thật con thiên nga màu đen?
Trong cuốn sách “Thương vụ để đời” của tác giả Harry Dent xuất bản tại Việt Nam vào cuối năm 2017, đã viết về 3 ngòi nổ tiềm ẩn cho nguy cơ đại khủng hoảng 2019: bong bóng bất động sản Trung Quốc; bong bóng cuộc khủng hoảng nợ của các ngân hàng châu Âu; bong bóng cuộc khủng hoảng dầu mỏ.
Ít nhất có 2 nguyên nhân đầu tiên chưa xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng sức tác động của nó chưa thực sự lớn như những gì tác giả lo ngại. Còn giá bất động sản của Trung Quốc đã có cú sụp mạnh trong năm 2017 nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững.
Harry Dent cũng lo ngại các ngân hàng lớn ở châu Âu, đặc biệt Deutsche Bank là những Lehman Brothers thứ hai. Điều đó không sai. Năm 2019, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bình chọn Deutsche Bank là ngân hàng rủi ro nhất thế giới và là mối đe dọa lớn nhất với hệ thống tài chính.
Các mô phỏng về cuộc khủng hoảng kinh tế giả định cũng cho thấy nguyên nhân đến từ ngân hàng này và các ngân hàng của Anh quốc. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này liên tiếp tuột dốc trong năm 2018-2019. Nhưng một lần nữa, thị trường vẫn chưa hoảng loạn bởi Deutsche Bank.
Trong khi đó, giá dầu thế giới (xem đồ thị) đạt đỉnh 74USD/thùng vào tháng 1-2018 - thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump khai chiến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Từ năm 2018 đến nay, cứ mỗi lần giá dầu đạt đỉnh (màu xanh), trong khi chỉ số S&P500 (màu đen) tiếp tục thiết lập đỉnh mới.
Điều này sớm hay muộn chỉ số S&P500 cũng đuổi theo xu hướng giảm giá của giá dầu (và sau đó cả 2 có khuynh hướng tạo đáy cùng lúc). Trước khi thị trường sụp đổ từ đỉnh tháng 2-2020, giá dầu cũng đã đạt đỉnh vào đầu năm 2020. Tại sao giá dầu sụt giảm? Đó là sự thiếu hụt từ phía cầu, như Harry Dent nhận định. Cuộc chiến thương mại đã làm nền kinh tế Trung Quốc lao đao khi tăng trưởng GDP năm 2019 chạm mức thấp nhất trong vòng 30 năm.
Nếu quan sát giá đồng (vốn phản ánh sức mạnh của nền kinh tế thế giới), nó cũng đã tạo lập đỉnh từ tháng 12-2019. Trước đó, giá đồng cũng đã lập đỉnh vào tháng 1-2018 bởi chiến tranh thương mại. Vấn đề là phía cầu đã suy yếu nên giá dầu đã giảm giá trước khi Covid-19 xuất hiện.
Đồ thị giá dầu thế giới.
Như vậy sự xuất hiện của Covid-19 chỉ là đúng thời điểm, lúc cơ thể bạn đã tiềm ẩn nhiều căn bệnh, đôi khi chỉ cần ngọn gió nhẹ cũng ngã gục. Nếu không có Covid-19, sẽ có cái khác. Có thể là cuộc khủng hoảng ngân hàng hoặc kinh tế ở một quốc gia nhỏ bé nào đó gây ra hiệu ứng domino; hay thảm họa động đất sóng thần kiểu Nhật Bản năm 2011...
Đối với những người muốn bào chữa, họ chỉ cần lý do để đổ lỗi. Còn đối với nền kinh tế hay thị trường chứng khoán (TTCK), khi mọi thứ đã trở nên mong manh, nhà đầu tư (NĐT) cũng chỉ cần một lý do để trở nên hoảng sợ, bán tháo mọi thứ có thể.
Điều gì đang ẩn đằng sau?
Điều gì đang ẩn đằng sau?
Khi mọi thứ đã xảy ra, chúng ta dễ dàng nhìn lại để biết được tại sao lại xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế hay sự lao dốc của TTCK. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, thật khó để nói trước điều gì. Không có cuộc khủng hoảng nào giống nhau. Việc tác giả Harry Dent phỏng đoán 3 nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng cũng chỉ là sự suy đoán về một số cách thức có thể dẫn tới khủng hoảng.
Cơ sở để Harry Dent đưa ra dự báo về nguy cơ dẫn tới khủng hoảng là Bộ tứ chu kỳ: chu kỳ chi tiêu thế hệ 39 năm; chu kỳ địa chính trị 34-36 năm; chu kỳ bùng nổ/đổ vỡ 8-13 năm; chu kỳ đổi mới công nghệ 45 năm. Cả 4 chu kỳ cùng hội tụ mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, giống như từng đã xảy ra ở giai đoạn 1929-1933.
Nếu Covid-19 là hiện tượng chính trị, như Tổng thống Donald Trump và phía Trung Quốc đang đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc, đó chính là chu kỳ địa chính trị 34-36 năm đang chi phối. Những xung đột địa chính trị diễn ra muôn hình vạn dạng và chúng ta không thực sự biết được cho đến khi nào chúng diễn ra.
Còn nếu Covid-19 là hiện tượng tự nhiên, các chu kỳ vệt đen mặt trời là dấu vết cho những gì đang diễn ra. Các nhà khoa học tìm thấy mối liên hệ giữa chu kỳ vệt đen mặt trời với các bệnh dịch tả, dịch hạch, cúm, thương hàn, viêm màng não…
Sự xuất hiện của Covid-19 chỉ là đúng thời điểm, lúc cơ thể bạn đã tiềm ẩn nhiều căn bệnh, đôi khi chỉ cần ngọn gió nhẹ cũng ngã gục. Vì thế, thời điểm này nên tập trung quan sát các chu kỳ và lên kế hoạch đối phó cho từng kịch bản. |
Chính chiến tranh thương mại đã giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc, giá dầu, giá đồng và nhiều loại hàng hóa khác. Chưa hết, trong bối cảnh thiếu lực cầu, giá dầu còn chịu tổn thương từ cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga với Ả Rập Saudi.
Vì thế, ẩn đằng sau các nguyên nhân cụ thể là hoạt động của các lực tự nhiên mang tính chu kỳ. Thay vì suy đoán các biểu hiện cụ thể, chúng ta nên tập trung các yếu tố tổng quát. Đặc tính của chu kỳ là động, không phải tĩnh. Sự hời hợt của giới đầu tư khi công kích chu kỳ bùng nổ/đổ vỡ 8-13 năm. Cứ trung bình khoảng 10 năm lại xảy ra khủng hoảng.
Nếu lấy cuộc khủng hoảng năm 1987 cộng vào 10 năm, đó là cuộc khủng hoảng Đông Á 1997-1998. 10 năm sau đến lượt cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2008. Năm 2018, nhiều NĐT và giới chuyên gia phớt lờ chu kỳ này vì thấy rằng không có cuộc khủng hoảng nào diễn ra. Họ cho rằng chu kỳ bùng nổ/đổ vỡ không còn đúng nữa. Họ không hiểu rằng, chu kỳ này giống như vệt đen mặt trời là sự biến động trong khoảng thời gian 8-13 năm, không đơn giản là phép cộng.
Các cuộc khủng hoảng diễn ra theo chu kỳ nhưng nguyên nhân không giống nhau. Năm 2008 là nợ dưới chuẩn và bong bóng bất động sản, năm 1997 là cuộc tấn công tiền tệ, bong bóng bất động sản chứng khoán.
Nhưng có những cuộc khủng hoảng rất mơ hồ về nguồn gốc như năm 1987. Chẳng ai biết rõ nguyên nhân thực sự của ngày thứ 2 đen tối (tháng 10-1987) là gì. Hơn 20 năm sau, các điều tra cho thấy không tin tức hay sự kiện nào dẫn tới ngày TTCK mất tới 20% giá trị trong 1 ngày.
Có nguyên nhân về sau được lý giải như giao dịch được điện toán hóa, tức cho phép NĐT thực hiện khối lượng giao dịch lớn trong khoảng thời gian ngắn. Vậy nếu xem cuộc khủng hoảng năm 2020 là sự kiện nối tiếp chu kỳ bùng nổ/đổ vỡ, nguyên nhân là gì? Covid-19 hay hệ lụy từ chiến tranh thương mại hay cuộc chiến dầu mỏ…
Lên kế hoạch ứng phó
Lên kế hoạch ứng phó
Câu hỏi NĐT quan tâm lúc này là liệu Covid-19 có dẫn tới khủng hoảng kinh tế? Tương lai là bất định và mọi việc tùy thuộc vào Covid-19 có được kiểm soát? Nó có biến hóa thành thứ nào đó ghê gớm hơn? Vaccine sớm có hay không? Các biện pháp của các chính phủ trên thế giới có đủ nhanh và mạnh? Khả năng nới lỏng tài khóa và tiền tệ sắp tới?...
Thời điểm này nên tập trung quan sát các chu kỳ và lên kế hoạch đối phó cho từng kịch bản. Giả sử chu kỳ 80-90 năm xuất hiện là kịch bản tồi tệ nhất Harry Dent phác thảo. Theo đó, nếu chu kỳ kinh tế 4 mùa 80-90 năm Harry Dent đề cập đang diễn ra, hình dưới chính là bản cập nhật cho những gì đang xảy ra, với đỉnh điểm là năm 2018, tương tự như năm 1929.
Nghĩa là chúng ta vẫn đang còn ở trong mùa đông, và những điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Nó có thể tệ hơn cả năm 2008. Đáy của chỉ số Dow Jones tầm 6.000 điểm vào năm 2009, mức đáy này đang là thách thức lớn mà Dent đề cập.
Chu kỳ kinh tế 4 mùa 80-90 năm
Trong 2 kịch bản khác, tạm gọi là kịch bản trung tính và kịch bản lạc quan nhất. Các chu kỳ khác sẽ xuất hiện mà Harry Dent không đề cập đến. Nếu đỉnh của chỉ số Dow Jones vào tháng 2-2020 là đỉnh của chu kỳ 9-11 năm, kinh tế thế giới có thể trải qua cuộc suy thoái nhẹ, với kịch bản sẽ kết thúc vào 2021-2022. Nó sẽ không tàn khốc như chu kỳ 80-90 năm của Harry Dent.
Trong kịch bản lạc quan nhất, sự khủng hoảng của TTCK có thể kết thúc ngay bây giờ. Còn nền kinh tế chỉ trải qua 1 quý sụt giảm nhưng không rơi vào suy thoái. Kịch bản nào diễn ra, tùy thuộc sự thay đổi của các biến số trong mô hình thay đổi.