Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn, đem lại nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện lộ trình giảm thuế theo các FTA, sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu của hàng trong nước cũng gia tăng. Nhiều mặt hàng của nước ngoài có dấu hiệu bán phá giá đã khiến các doanh nghiệp (DN) trong nước phải thu hẹp sản xuất, người lao động giảm thu nhập và thậm chí mất việc làm.
Để hỗ trợ các DN trong nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, Việt Nam đã và đang sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Đây là một trong những công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng, ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.
Tính đến nay, Việt Nam đã điều tra 20 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng, từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang điều tra, xem xét áp dụng PVTM đối với một số ngành hàng ảnh hưởng đến 1,5 triệu việc làm của hàng chục vạn nông dân như đường mía nhập khẩu.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua, nhưng Bộ Công thương cũng thắng thắn thừa nhận công tác PVTM của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần được hoàn thiện.
Cụ thể, hiện nay năng lực PVTM của nhiều ngành hàng, DN chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ việc PVTM nước ngoài còn bất cập; nguồn nhân lực thực hiện công tác PVTM chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của các vụ việc khởi kiện và kháng kiện PVTM.
Để khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước; các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, năng lực PVTM. Trong đó, lưu ý đẩy mạnh xử lý những tồn tại trong việc triển khai PVTM thời gian qua.
Xem các biện pháp PVTM như một liều kháng sinh hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong việc cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật nước ta. Đặc biệt, Bộ Công thương ngoài việc khơi thông, mở rộng thị trường xuất khẩu, cần tập trung hoàn thiện quy định pháp luật, thể chế về PVTM, củng cố cơ chế phối hợp giữa DN, hiệp hội với cơ quan chức năng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực ứng phó với vấn đề này. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm giảm nguy cơ bị các thị trường xuất khẩu áp biện pháp PVTM với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.