PHÓNG VIÊN: - Việc giá xăng dầu tăng mới đây sẽ tác động đến DN vận tải trong nước thế nào, thưa ông?
Ông BÙI DANH LIÊN: - Ngày 12-7, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá xăng, dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 850 đồng/lít, lên 20.610 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 867 đồng/lít, lên 21.783 đồng/lít…
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng tổng cộng hơn 4.000 đồng/lít. Hiện nay, xăng dầu chiếm tới 35-40% trong cấu thành giá cước vận tải, việc xăng liên tiếp tăng giá mạnh khiến DN vận tải vốn đã gặp khó khăn do dịch Covid-19 càng lao đao hơn.
Bởi giá cước không thể tăng theo giá xăng, trong khi DN vận tải hiện cũng chỉ hoạt động cầm chừng nên việc thua lỗ là điều tất nhiên.
Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới nên những khó khăn này DN vận tải không thể tự mình giải quyết được. Tại Hà Nội hiện nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe phải nằm bãi, “đắp chiếu” vì không có khách, không có hàng để chạy.
Đơn cử, bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai), vừa phải tạm ngưng đóng cửa bến xe khách. Bến bãi để trống, đơn vị đã phải treo biển cho thuê sân bến để cho người dân tập lái xe, nhưng cũng không ai thuê. Hàng chục lao động của đơn vị hiện phải tạm nghỉ việc không lương hoặc có hỗ trợ nhưng rất ít.
- Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) để bình ổn, điều tiết giá xăng dầu thị trường trong nước khi có biến động lớn từ thị trường thế giới. Quỹ này liệu có thể kìm đà tăng giá xăng để có thể cứu nguy DN vận tải, thưa ông?
- Trong những tháng qua, khi giá xăng dầu thế giới tăng, quỹ BOG đã được xả ra để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều này là rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, không thể kéo dài và cũng không đủ sức cứu các DN vận tải. Đó là chưa kể chúng ra vẫn chưa có sự minh bạch hơn về các thông tin sử dụng quỹ.
Thực tế, DN kinh doanh xăng dầu cũng không hoàn toàn ủng hộ quan điểm duy trì quỹ BOG, do DN dù không bị thiệt hại nhưng cũng không có lợi ích gì trong cơ chế điều hành giá xăng dầu với quỹ BOG.
Chưa kể, các DN kinh doanh xăng dầu gặp không ít phiền toái trong thủ tục vay ngân hàng khi quỹ bị âm để duy trì mức xả quỹ theo quy định của Nhà nước trong những thời điểm cần thiết. Khi Chính phủ thông qua giữ quỹ BOG, các DN vẫn sẽ chấp hành để điều tiết giá nhưng thực chất đó chỉ là khoản tiền người dân đóng vào trước rồi dùng sau.
Tôi cho rằng về lâu dài, chúng ta vẫn phải chấp nhận lối chơi của thị trường, không thể can thiệp quá nhiều. Đó là công khai các thông tin xuất và nhập khẩu sản phẩm xăng dầu, từng bước tiến tới mở cửa thị trường xăng dầu đề nhiều DN tham gia nhập khẩu, phân phối.
- Ông là người đại diện kiến nghị Bộ GTVT hoãn việc yêu cầu lắp camera hành trình và miễn hoặc giảm phí giao thông đường bộ để giảm bớt gánh nặng cho DN vận tải. Những đề nghị này đã được thực hiện ra sao?
Các DN vận tải hiện có thể đủ sức tự cứu mình bằng cách thay đổi hình thức, mô hình, cơ chế kinh doanh. Nhưng để họ làm được điều đó Nhà nước cần có sự linh hoạt về chính sách. |
Tôi hoan nghênh việc này nhưng cho rằng việc ban hành gia hạn vẫn còn quá chậm, lẽ ra phải được thực hiện ngay từ những tháng của quý I các DN sẽ đỡ khó khăn hơn. Còn đề nghị miễn hoặc giảm phí giao thông đường bộ vẫn chưa được giải quyết như mong muốn.
Thực ra đây cũng là vấn đề khó, vì nó liên quan đến chỉ tiêu thu ngân sách của Bộ Tài chính, liên quan đến những quy định trong điều khoản của pháp luật. Song, nói vậy không có nghĩa chúng ta cứ giữ quy định một cách cứng nhắc, mà nên linh hoạt hơn nữa.
Hiện tại vẫn thu phí đường bộ vì các DN vận tải đã đóng từ trước, nhưng sau đó cần có chính sách xem xét lại. Cụ thể, đối với các trường hợp DN vận tải không hoạt động, xe không lăn bánh, cơ quan chức năng cần hoàn trả lại phí đường bộ cho họ.
- Thời gian qua đã có nhiều quy định, chính sách hỗ trợ DN vận tải. Ông đánh giá tính hiệu quả của các chính sách này và nên chăng cần những giải pháp mạnh mẽ và thực tế hơn?
- Tôi cho rằng hỗ trợ DN vận tải hiện nay quan trọng nhất vẫn là chính sách. Chính sách của Nhà nước đối với DN vận tải cần linh hoạt hơn. Tôi vẫn thường nói Nhà nước không có nhiều tiền để hỗ trợ DN vận tải, nhưng hỗ trợ bằng chính sách mới quan trọng.
Vừa qua, đơn vị tôi cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội thông báo sẽ xem xét cho các DN vận tải vay vốn với gói lãi suất 0%, giúp họ trả lương cho người lao động, tôi cho rằng đây là điều thiết thực lúc này. Nhưng như tôi đã nói dư địa ngân sách nhà nước không lớn, nên đây cũng không thể là giải pháp kéo dài mãi được, quan trọng vẫn là DN vận tải phải tự cứu mình.
Tôi tin các DN vận tải hiện có thể đủ sức tự cứu mình bằng cách thay đổi hình thức, mô hình, cơ chế kinh doanh. Nhưng để họ làm được điều đó Nhà nước cần có sự linh hoạt về chính sách.
Đơn cử, thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều địa phương trong cả nước buộc phải thực hiện giãn cách. Song điều này không có nghĩa buộc các DN vận tải phải ngừng hoạt động, bởi vận tải là huyết mạch của kinh tế, nếu ngừng kinh tế tê liệt ngay.
Nhưng rất nhiều DN vận tải ở các địa phương thực hiện giãn cách gặp khó khăn khi chính sách kiểm soát quá cứng nhắc, xe chở hàng hóa qua các địa phương này buộc phải có giấy chứng nhận không bị nhiễm Covid-19. Quy định này gây trở ngại cho nhiều DN vận tải vì nó giống như giấy phép con “không chính thức”.
Theo tôi, việc này nên sớm được bãi bỏ, hoặc khi các xe lưu thông cần có sự hướng dẫn phân luồng với những tuyến đường nhất định, nhằm giúp hoạt động kinh doanh vận tải, hoạt động kinh tế vẫn diễn ra không bị ngưng trệ trong khi vẫn kiểm soát được dịch.
- Xin cảm ơn ông.