Đồng hành cùng các DN, Chính phủ cũng nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ. Song trước khi tiếp cận những gói này, không ít DN đặc biệt là DN nhỏ, siêu nhỏ đã linh hoạt tự cứu mình trong dịch.
Làm cái thị trường cần
Một khảo sát gần đây của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam với gần 350 DN về các đối sách chủ động ứng phó với Covid -19 đã cho thấy những con số khá lạc quan. Theo đó, chỉ có khoảng 25% chọn phương án tạm dừng kinh doanh, 5% bán DN và có tới 42% DN cho biết sẽ tìm thị trường mới làm đối sách quan trọng để ứng phó. Và thị trường mới của DN lúc này đến từ chính nhu cầu của người tiêu dùng trong dịch. Đó là khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn… Đặc biệt, việc hạn chế ra đường khi không thật cần thiết đã đẩy nhu cầu mua sắm online, phục vụ tận nhà của người tiêu dùng lên rất cao.
Nhắc đến thương hiệu ShoeX nhiều người sẽ nhớ ngay đến sản phẩm giày làm từ bã cà phê và ly nhựa, với cách gọi quen thuộc là những đôi giày giải cứu môi trường của kỹ sư hóa Lê Thanh. Trong đợt dịch này Lê Thanh đã tung ra sản phẩm khẩu trang cà phê mang thương hiệu AirX kháng khuẩn có thể tái sử dụng 30 lần. Sản phẩm này ngay từ khi ra đời đã nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Một doanh nghiệp sản xuất dung dịch sát khuẩn trong mùa dịch Covid.
Người sáng lập thương hiệu cho biết đây không chỉ là sản phẩm đối phó với dịch mà sẽ được phát triển lâu dài. Tương tự, một thương hiệu cặp sách là Miti cũng tung ra thị trường khẩu trang vải 3 lớp phủ muối và hấp tinh dầu tràm. Sản phẩm khẩu trang cũng đang là hướng giải cứu cấp bách của nhiều DN xuất khẩu sản phẩm dệt may trong giai đoạn này.
Lĩnh vực dịch vụ cũng nhanh chóng chuyển mình để thích ứng trong dịch, như nhiều khách sạn lớn tại TPHCM đã triển khai dịch vụ giao hàng tại nhà. Tiêu biểu như khách sạn Rex, trước nay đều phục vụ các món ăn tại chỗ, nay phục vụ các món ăn sáng và các phần combo trưa tận nơi cho thực khách. Ở mảng lữ hành, một DN tìm đến nghề “tay trái” để duy trì và có việc làm cho nhân viên. Trên fanpage của hệ thống đặt khách sạn trực tuyến Ivivu những ngày này tràn ngập bài viết giới thiệu những “bữa trưa thảnh thơi”. Trên website bên cạnh những chuyên mục quen thuộc, Ivivu còn dành một mục ăn uống để giới thiệu những phần cơm trưa được giao tận nơi cho khách.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Việt Anh, chuyên gia chiến lược tăng trưởng DN, cho rằng trong bối cảnh hiện nay việc xoay trở tự cứu mình trước khi nhận được hỗ trợ hết sức cần thiết. Hiện khoảng 2/3 số DN tư nhân là DN siêu nhỏ nên dễ bị ảnh hưởng vì thiếu vốn. Song cũng vì siêu nhỏ nên họ lại có điểm lợi là linh hoạt trong ứng phó. Bằng chứng nhiều DN đã làm thêm sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu trong giai đoạn hiện nay kể cả là trái ngành nghề, giúp họ tiếp tục duy trì hoạt động. Còn ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam, cũng thẳng thắn nhìn nhận: “DN phải chủ động đưa ra các giải pháp “cứu lấy mình”. Những hỗ trợ của Nhà nước sẽ không đạt được hiệu quả tối đa nếu sự nỗ lực đó chỉ đến từ một phía. Do vậy, để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, yếu tố quan trọng đối với DN là sự thích ứng”.
Vẫn cần có được hỗ trợ
Theo khảo sát của VCCI, đại dịch Covid-19 đã khiến 35.000 DN trên cả nước rời khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm, con số kỷ lục từ trước đến nay. Nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, gần 30% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực du lịch, tuy một số DN đã thức thời chuyển qua các dịch vụ giao hàng tận nhà, phục vụ món ăn online… nhưng con số này chỉ chiếm một lượng nhỏ. Hiện 90% DN lữ hành đã phải tạm ngưng hoạt động. Trước tình hình này, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ, giúp DN vượt qua đại dịch.
Tuy nhiên, ông Phan Đình Huê, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietcircle, cho rằng để DN nhận được sự hỗ trợ này còn tùy thuộc vào việc triển khai của các cơ quan chức năng. Bởi thực tế thủ tục để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ không hề đơn giản. Theo ông Huê để hỗ trợ DN được đúng và trúng nên dựa vào các thông số (thành lập bao lâu, lực lượng lao động như thế nào, thị trường…) để chia thành các nhóm, từ đó có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra hiện nay các DN lữ hành đều có tiền ký quỹ (với số tiền tối đa lên tới 500 triệu đồng), nếu được có thể cho DN rút lại 50% số tiền này hoặc dựa trên số tiền đó để cho DN vay tín chấp.
Việc chia thành những nhóm ngành, nhóm DN, mức độ tổn thương khác nhau để có những chương trình hỗ trợ phù hợp không chỉ nên có ở mảng du lịch, mà nên ở bình diện chung của các gói hỗ trợ trong dịch Covid-19. Bởi nhìn bức tranh toàn cảnh hiện nay hầu hết ngành đều chịu ảnh hưởng dù là trực tiếp hay gián tiếp, nếu không phân chia cụ thể chính DN cũng khó để biết mình sẽ được hưởng những chính sách như thế nào. Ngoài ra tốc độ triển khai các gói hỗ trợ cũng chính là điều DN mong ngóng, bởi sức chịu đựng của DN đang giảm đi rất nhanh nên không thể bị ngáng chân thêm bởi các thủ tục.
Giải pháp hiệu quả phục hồi thị trường và nền kinh tế hiện nay chính là hỗ trợ vốn cho DNNVV, bởi họ là khu vực tạo ra việc làm chính và việc làm mới. Phương thức cho vay có thể là tín chấp hoặc cách thức nào đó nhằm đơn giản hóa điều kiện vay vốn. Ông PHẠM VIỆT ANH, chuyên gia chiến lược tăng trưởng DN |