Hội thảo nhằm cung cấp các thông tin tham khảo liên quan tới khung khổ pháp lý cần thiết ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế về vấn đề đấu thầu mua sắm gỗ hợp pháp.
Bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm công là một trong các nghĩa vụ của Việt Nam theo Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi pháp luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU). Kế hoạch thực thi Hiệp định VPA-FLEGT của Chính phủ Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ rà soát, xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện nghĩa vụ này.
Tuy nhiên, kết quả rà soát của VCCI thực hiện cho thấy hệ thống pháp luật đấu thầu hiện nay của Việt Nam lại chưa có cơ chế pháp lý nào cho phép bảo đảm hàng hóa mua sắm là “hợp pháp” theo nghĩa thông thường. Đơn cử như Luật Đấu thầu 2014 chỉ nêu nguyên tắc chung về áp dụng luật mà không có quy định điều kiện “tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ” mặc dù có quy định về điều kiện “tư cách hợp lệ của nhà thầu”.
Hay như trong Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và các thông tư về mẫu hồ sơ mời thầu có một số quy định liên quan đến yếu tố pháp lý của hàng hóa mua sắm nhưng các quy định này lại không đủ bảo đảm sản phẩm gỗ mua sắm đáp ứng được yêu cầu về tính hợp pháp theo VPA-FLEGT.
Ở góc độ thực tiễn mời thầu mua sắm đồ gỗ, kết quả rà soát của VCCI đối với 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan Nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp, DNNN đã từng thực hiện trong giai đoạn 2016-2018 qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS) cho thấy có tới 77% hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về bất cứ khía cạnh nào của tính hợp pháp của sản phẩm gỗ ngoài các quy định chung của pháp luật đấu thầu.
23% hồ sơ mời thầu còn lại tuy có yêu cầu nào đó về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ mua sắm công nhưng phần lớn chỉ quan tâm tới một số khía cạnh pháp luật mà không phải là toàn bộ các tiêu chí như tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu, tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu…
Quang cảnh buổi hội thảo.
Các kết quả rà soát nói trên của VCCI cho thấy, trong đấu thầu mua sắm công các sản phẩm từ gỗ hiện nay ở Việt Nam, các gói thầu đều có nguy cơ cao không đảm bảo được yếu tố gỗ hợp pháp mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bên mời thầu. Thực tế nói trên cũng cho thấy so với yêu cầu gỗ hợp pháp của VPA-FLEGT thì các quy định hiện tại về pháp luật đấu thầu chưa bảo đảm được sản phẩm gỗ trong đấu thầu là gỗ hợp pháp.
Do đó, VCCI kiến nghị, trong thời gian tới, để đảm bảo các gói thầu mua sắm công là hợp pháp theo tiêu chuẩn của VPA-FLEGT, pháp luật đấu thầu của Việt Nam cần phải bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về gỗ như: bảo đảm bên mời thầu đưa yêu cầu về gỗ hợp pháp trong hồ sơ mời thầu; ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu trong bảo đảm cung cấp gỗ hợp pháp trong gói thầu; kiểm soát việc thực hiện yêu cầu của nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng…