Chính phủ siết kiểm soát tiền mã hóa…
Phát biểu tại Qatar Economic Forum, Changpeng “CZ” Zhao, Giám đốc điều hành Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, cho biết nhiều tổ chức và cá nhân “đào” tiền mã hóa đang gửi thiết bị khai thác của họ ra nước ngoài.
Phát biểu này được đưa ra trong thời điểm nhiều công ty khai thác Bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc đã phải đóng cửa tuần trước, khi các nhà chức trách tăng cường chiến dịch “đàn áp” tiền mã hóa. Một trong những hoạt động gây chú ý là chính phủ Trung Quốc đã triệu tập quan chức các ngân hàng lớn nhất để nhắc lại các quy tắc cấm dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa được ban hành lần đầu vào năm 2013.
Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các dịch vụ thanh toán như Alipay phải tham gia chiến dịch này. Nhiều hoạt động lách các quy định liên quan đến tiền mã hóa được cho đã đi qua Alipay.
Trong cùng thời điểm đó, giới chức Hàn Quốc tiến hành tịch thu lượng lớn Bitcoin và các tài sản mã hóa khác trị giá 47 triệu USD từ 12.000 người được cho trốn thuế. Đợt “càn quét” này lớn hơn đợt tịch thu số tiền mã hóa trị giá 22 triệu USD từ hơn 1.500 cá nhân vài tháng trước.
Trong khi tại Anh, vào thứ Sáu ngày 25-6, cảnh sát cũng đã tiến hành tịch thu tiền mã hóa trị giá 114 triệu bảng Anh, lớn nhất ở Anh từ trước đến nay. Số tiền mã hóa này được tịch thu trong chiến dịch chống rửa tiền của các băng đảng tội phạm.
Những hoạt động này trùng hợp thời điểm tổ chức Bank for International Settlements (BIS) - ngân hàng của các ngân hàng trung ương, trụ cột của hệ thống thanh toán quốc tế toàn cầu - đã xuất bản báo cáo, cho rằng tiền mã hóa là tài sản đầu cơ, không phải tiền và trong nhiều trường hợp được sử dụng để tạo điều kiện cho rửa tiền, tấn công đòi tiền chuộc và các tội phạm tài chính khác.
BIS đang thúc đẩy sự phát triển của tiền điện tử quốc gia nên không ủng hộ tiền mã hóa. Nhưng chuỗi sự kiện này cho thấy các quốc gia đang siết chặt “vòng kim cô” xung quanh hoạt động tiền mã hóa.
…nhưng vẫn có lỗ hổng
Việc siết chặt tiền mã hóa đang diễn ra, được kỳ vọng nó sẽ sớm đổ vỡ khi giá nhiều loại tiền mã hóa đã giảm 50-60% từ đỉnh cao gần đây. Nhưng một sự kiện mới đây ở Nam Phi cho thấy tiền mã hóa vẫn nằm ngoài tầm với nhiều chính phủ.
Đó là vụ lừa đảo số tiền bitcoin trị giá 3,6 tỷ USD ở Africrypt. Công ty này có trụ sở tại Johannesburg, được thành lập năm 2019 bởi anh em người Nam Phi là Ameer và Raees Cajee. Họ hứa hẹn người gửi tiền mã hóa vào công ty sẽ thu về tối thiểu gấp 5 lần số tiền đã đầu tư, đã hút nhiều người gửi tiền mã hóa vào nền tảng giao dịch của công ty họ.
Vậy nhưng, vào tháng 4 vừa qua, khi giá Bitcoin tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, người anh Ameer Cajee đã thông báo với khách hàng rằng công ty là nạn nhân của một vụ tấn công mạng, đã bị mất lượng lớn tiền mã hóa. Anh ta đề nghị nhà đầu tư không thông báo với luật sư và nhà chức trách, vì sẽ cản trở quá trình lấy lại số vốn bị mất.
Nghi ngờ, một số nhà đầu tư đã thuê công ty luật điều tra, đã phát hiện tiền của nhà đầu tư trong Africrypt được chuyển khỏi các tài khoản của công ty và ví của khách hàng. Số tiền mã hóa này sau đó được chuyển qua dịch vụ trộn tiền mã hóa và mất dấu vết. Hai anh em này sau đó biến mất cùng số tiền mã hóa trị giá 3,6 tỷ USD.
Cơ quan quản lý tài chính của Nam Phi (FSCA) cho biết họ không thể làm gì vì tiền mã hóa chưa được quản lý. FSCA nói tài sản tiền mã hóa không được quy định trong bất kỳ luật nào về lĩnh vực tài chính ở Nam Phi, do đó FSCA không có quyền thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào.
Chiếc vòng kim cô tưởng như đang siết chặt, hóa ra có lỗ hổng lớn trong luật lệ về sản phẩm tiền mã hóa: Ai được mở sàn đầu tư tiền mã hóa? Điều kiện thành lập là gì? Ai được thành lập và quy định công bố thông tin ra sao?
Bài học cho Việt Nam
Vụ lừa đảo Africrypt diễn ra không lâu sau vụ lừa đảo hơn 1 tỷ USD tiền mã hóa năm ngoái cũng ở Nam Phi, cùng hàng chục vụ lừa đảo ở Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ. Vẫn chiêu bài mở sàn giao dịch tiền mã hóa, hứa hẹn lợi nhuận cao, rồi cầm tiền trốn mất. Khác biệt lần này, thứ bị lừa là tiền mã hóa, không phải tiền mặt, nên càng khó truy tìm dấu vết. Những câu chuyện này đặt ra câu hỏi: chính phủ liệu có hay không làm gì các sàn giao dịch tiền mã hóa này?
Có ở chỗ chính phủ có thể ra quy định sàn giao dịch nào được hoạt động trong nước mình. Thí dụ, tại Nhật Bản sàn Binance không đăng ký tại Nhật nhưng thu hút người Nhật giao dịch, đã làm nổ ra tranh cãi giữa Binance và giới chức Nhật Bản.
Ở tranh cãi này Binance nói họ không tổ chức các hoạt động giao dịch ở Nhật Bản, cũng không tích cực thu hút người dùng Nhật sử dụng dịch vụ của mình. Nhưng nếu người dùng Nhật lên mạng internet và mở tài khoản mua tiền mã hóa qua Binance, công ty cũng không ngăn cản.
Không ở chỗ, chính phủ sẽ bất lực khi một sàn giao dịch không đăng ký ở một nước nhưng hoạt động trên không gian mạng. Một số sàn tuyên bố họ là sàn giao dịch phi tập trung nhưng sự thật là lừa đảo. Nhà đầu tư bỏ tiền vào đó rồi mất tiền, còn cơ quan quản lý chỉ có thể cảnh báo, không làm được gì khi người sáng lập các sàn này bỏ trốn.
Qua thời gian người ta sẽ tìm được cách giải quyết vấn nạn này, nhưng không phải bây giờ. Ở thời điểm này, lựa chọn đầu tư vào tiền mã hóa là tự do của mỗi cá nhân. Và họ chấp nhận rủi ro của kênh đầu tư mình đã lựa chọn, tức “có chơi, có chịu”.
Một người bạn của tôi nghiên cứu về lĩnh vực tiền mã hóa đã đặt câu hỏi: mấy ông cơ quan quản lý đòi thu thuế người chơi tiền mã hóa, nhưng khi sập sàn, chủ sàn bỏ trốn, mấy ông lại ngồi yên. Vậy thu thuế có hợp lý?
Liệu Việt Nam có nên vội vã đưa hoạt động tiền mã hóa vào kiểm soát và thu thuế, trong khi nhà đầu tư gặp rủi ro, cơ quan điều tra và quản lý lại không biết làm gì giúp họ thu lại tiền bị lừa đảo.
Khi chiếc “vòng kim cô” đang tồn tại lổ hổng chưa có cách gia cố, không nên cố siết nó quá. Hãy cứ để nhà đầu tư tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm với quyết định mạo hiểm của mình, chính phủ chỉ tuyên truyền đầy đủ về rủi ro của đầu tư tiền mã hóa. |