Được manh nha nghiên cứu từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, thậm chí đã có những cuộc thi thiết kế được tổ chức sau đó, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ý tưởng đi tìm mẫu Quốc phục của Việt Nam trôi dần vào quên lãng. Vừa qua, một lần nữa câu chuyện về Quốc phục được khơi lại.
Không có thì … bí
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Vương Duy Biên, trên thế giới, lễ phục của một số quốc gia góp phần thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Trong các ngày lễ lớn và nghi thức ngoại giao, lễ phục đã khẳng định dấu ấn đặc trưng của văn hóa dân tộc.
Nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, tới nay chúng ta chưa có lễ phục để sử dụng trong các hoạt động mang tính nghi lễ đặc biệt, các hoạt động đối ngoại… Việc xây dựng thiết kế lễ phục nhằm khẳng định bản sắc dân tộc và vị thế độc lập của một nền văn hiến quốc gia là một việc làm rất cần thiết.
Trên phương diện đối ngoại, ông Nguyễn Huy Hiệp, đại diện Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước, cho rằng một số hoạt động ngoại giao trên thế giới cũng cho thấy trang phục truyền thống được các vị lãnh đạo cao cấp sử dụng nhiều.
Lễ phục của một số quốc gia đang góp phần thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Quan sát một số nước châu Á gần gũi như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Nepan, Indonesia… đều có quốc phục riêng.
Xa hơn một chút, váy "kilt" của đàn ông Scotland, áo kimono montsuki của đàn ông Nhật Bản hay durumagi- Hanbok của đàn ông Hàn Quốc, các nước châu Âu thì có complet đuôi tôm… Hiện nay, thế giới có 74/196 nước đã có Quốc phục dân tộc.
Áo dài, ứng cử viên sáng giá trong việc bình |
“Cần có một cơ quan đứng ra để quy chuẩn một bộ quốc phục cho Việt Nam, nước ta có một nền lịch sử hào hùng mà không có lấy cho mình riêng một bản sắc thì quá đáng tiếc”- nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh. Theo ông Quốc, quốc phục khi mặc vào ai cũng nhận ra được không lẫn vào đâu nhờ “bộ cánh” ấy.
Quốc phục quan trọng nhất là thuộc diện lễ phục, chính là những ngày quan trọng của đất nước hay nguyên thủ quốc gia đi nước ngoài đối ngoại có thể mặc…
Dưới góc nhìn của nhà văn hóa, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng cho rằng nhân loại đang tiến tới một thế giới phẳng, các nền văn hóa lớn của các nước giàu đang bành trướng và đe dọa sự tồn tại các nền văn hóa nhỏ, đặc biệt là các nước nghèo.
Trước tình hình đó, chủ trương về sự cần thiết phải có lễ phục Việt Nam thật là một việc làm đáng trân trọng.
9 người 10 ý?
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, người đã từng tham gia Hội đồng xét chọn quốc phục Việt Nam mấy lần trước và kết quả là không chọn được mẫu nào bởi vẫn 9 người 10 ý.
Theo ông, phần lớn các mẫu đối với nữ sử dụng áo dài, khăn xếp mà hiện nay vẫn đang được sử dụng trong lễ cưới hoặc biểu diễn văn nghệ, còn trang phục của nam hướng về áo dài khăn đóng theo kiểu cổ, có cảm giác không còn phù hợp với cuộc sống mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng chọn quốc phục cần đồng bộ giữa trang phục nam và nữ, tìm ra quy cách nhất định để vừa có phong cách, vừa sang trọng, thuận lợi cho sử dụng và mang đậm nét Việt Nam. Theo đó, với trang phục nữ không quá khó vì đã có áo dài rất quen thuộc, còn trang phục nam quốc phục nên hướng về bộ complet để nghiên cứu và thiết kế.
Cũng có ý kiến gợi ý về quốc phục nam nên chăng cải tiến từ mẫu khăn đóng áo dài nam truyền thống, hoặc cải tiến bộ Tôn Trung Sơn…
Về vấn đề này, nhà văn Hoàng Quốc Hải lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng các mẫu trang phục truyền thống tiêu biểu qua các thời kỳ, mẫu trang phục các nhà lãnh đạo đã mặc trong dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Hội nghị cấp cao các nước ASEAN, lễ hội Đền Hùng hay bộ áo dài the khăn đóng truyền thống... là hướng suy nghĩ hợp lý.
Theo ông, ngày nay nếu mong muốn tìm ra một nền quốc phục mới cho cả dân tộc Việt Nam quả là điều không tưởng. Hoặc bắt mọi người trở về cách ăn vận theo lối quốc phục truyền thống cũng không ổn.
Việc nghiên cứu để hoàn thiện mẫu mã bộ lễ phục là cần thiết song nó phải dựa trên cái nền của quốc phục Việt Nam, mọi toan tính thoát ly y phục truyền thống để chế tác lễ phục là điều không tưởng và tự đánh mất bản thân.
Tính từ năm 1990 đến nay, không dưới 10 lần, vấn đề xây dựng đề án quốc phục Việt Nam được các cấp, ngành xới lên, yêu cầu thực hiện. Nhưng sau rất nhiều cuộc thi sáng tác mẫu phục, kết quả đều được xếp vào kho lưu trữ của Vụ Mỹ thuật. Nguyên nhân do chưa có thiết kế nào đáp ứng được tiêu chí vừa thời trang, vừa kế thừa truyền thống, lại vừa hợp lý trong mục đích sử dụng.
Theo bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, sở dĩ những lần trước, vấn đề xây dựng quốc phục không tạo được sự đồng nhất, bởi chúng ta không đưa ra được mục đích và tiêu chí rõ ràng.
Có nhiều cái khó đặt ra cho việc chọn quốc phục. Bởi rõ ràng, một bộ quốc phục nào đó, không thể đáp ứng được tất cả mọi người. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có trang phục truyền thống thể hiện bản sắc riêng, vậy làm sao có quốc phục đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng là thách thức lớn.
Thêm nữa, quốc phục được sử dụng vào lúc nào, dành cho những ai, lãnh đạo hay toàn dân hay ai có nhu cầu cũng đều có thể sử dụng?