Đồng loạt đẩy tín dụng nâng lợi nhuận
2 tuần qua, một số nhà băng đã tiên phong công bố kết quả kinh doanh quý I-2024 và đa số là tin vui lãi lớn. Nguyên nhân lãi lớn của những NH đó chủ yếu nhờ TTTD mạnh ngay từ những tháng đầu năm.
Nhìn xa hơn, họ dự báo nhu cầu tín dụng sẽ hồi phục theo tốc độ hồi phục của nền kinh tế. Đặc biệt, tín dụng liên quan đến bất động sản có thể tăng trong năm 2024, khi lãi suất đối với các khoản vay mua nhà trở về mức ưu đãi.
Năm 2024, OCB đặt mục tiêu dư nợ thị trường 1 dự kiến tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ đồng, và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức TTTD do NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch của NCB, dư nợ cho vay khách hàng dự kiến đạt 64.344 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cuối năm 2023.
Song song đó, định hướng TTTD năm 2024 của VPBank tăng 25%, VIB tăng 20%, MSB tăng 18%, SeABank tăng 16,1%, Eximbank 14,6%, VietABank 12,36%, SaigonBank 12,87%, Sacombank 11%. VietBank đề ra 2 kịch bản tăng trưởng, tương ứng tăng lần lượt 11% và 18%.
Kinh doanh cần phải có lãi và tín dụng đóng góp lãi chính, nên các nhà băng luôn kỳ vọng lớn vào mảng này, nhất là khi các lĩnh vực bán chéo bảo hiểm vốn đem về nguồn thu lớn đang bị ảnh hưởng mạnh. Song nói đi cũng nói lại, những rào cản để TTTD của ngành NH năm nay có vẻ không ít nếu đặt vào bối cảnh chung.
Báo cáo từ NHNN cũng đánh giá còn nhiều trở ngại cho tín dụng, như nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng. Một nhóm khác do yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn.
Hay do bối cảnh thế giới nên chính sách tồn kho của nhà nhập khẩu thay đổi (giảm trung bình từ 2-3 tháng bán hàng xuống từ 3 tuần đến 1 tháng), dẫn tới nhu cầu vay vốn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giảm. Tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm và giảm nhu cầu vay chi tiêu.
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của NH UOB nhận định, nhu cầu tín dụng thấp do nhiều nguyên nhân, và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Vậy vì sao các NH vẫn lạc quan?
Điểm lại một số liệu do NHNN cung cấp, tín dụng nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Mức giảm diễn ra đồng loạt các ngành, lĩnh vực kinh tế, trừ 2 lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Cụ thể, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 0,23% so với cuối năm 2023, và đặc biệt tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
Nếu vốn đi vào 2 lĩnh vực này, NH lãi lớn cũng là điều hợp lý. Vì các lĩnh vực này được xếp vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, rủi ro cao thì lãi suất cao và thu nhập từ lãi thuần của nhà băng cũng sẽ tốt hơn.
Như vậy nếu hạn mức tín dụng dồi dào cộng với nhu cầu vay thấp ở các ngành nghề dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, đẩy vốn tín dụng đi vào những lĩnh vực này nhiều hơn trong thời gian tới, lợi nhuận của NH có được phải chăng sẽ đi kèm nhiều rủi ro hơn?
Đặt kế hoạch và đạt kế hoạch?
Nói về kế hoạch lợi nhuận NH, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH chia sẻ, thông thường lợi nhuận của NH đi theo TTTD. Năm nay, NHNN đưa ra mức TTTD cao hơn năm ngoái, 14-15%, bởi nhiều dự báo cho thấy năm nay tình hình kinh tế của Việt Nam có thể sẽ ổn định hơn vào nửa năm sau.
Vì thế, các NH cũng thấy lạc quan hơn trong vấn đề hoạt động tín dụng của họ. Song diễn biến các tháng qua cho thấy, các NH đang có cả lạc quan và chủ quan. Lạc quan với TTTD khi có thể tốt hơn từ nửa sau năm 2024. Chủ quan vì nền kinh tế còn tiếp nối khó khăn năm vừa rồi, minh chứng nhiều NH cũng thận trọng trong việc cấp tín dụng. Và suy cho cùng những kế hoạch đặt ra với mong muốn tạo sự tin tưởng với các cổ đông, đặc biệt đối với cơ quan chủ quản là NHNN.
Ở một góc độ khác, có vẻ như các NH đặt kế hoạch và đạt kế hoạch không còn gắn bó mật thiết. Vài năm gần đây, các NH thổi phồng kế hoạch nhưng kết quả đi lùi về lợi nhuận, thậm chí ghi nhận thua lỗ, không đạt kế hoạch đề ra cũng không còn là chuyện lạ.
Đơn cử, năm 2023, lợi nhuận trước thuế của TPBank giảm 29% (đạt khoảng 5.590 tỷ đồng), và chỉ hoàn thành 64% kế hoạch năm. Hay PGBank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 355 tỷ đồng, suy giảm 30% so năm trước và chỉ đạt 67% kế hoạch đề ra. ABBank đạt 513 tỷ đồng, giảm 69,6% so với năm 2022, cũng không hoàn thành mục tiêu đề ra. Lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm trước và chỉ thực hiện được 55% kế hoạch đề ra…
Mùa công bố BCTC kiểm toán 2023 vừa qua, khiến thị trường cảm thấy bất ngờ khi có đến 10 NH bị giảm lợi nhuận trên BCTC kiểm toán so với báo cáo tự lập. Mức lợi nhuận của nhóm này bị giảm tổng cộng khoảng 1.325 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán.
Trong số đó, OCB là nhà băng có mức chêch lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán đáng chú ý trong đợt công bố BCTC kiểm toán 2023 này. So với báo cáo quản trị, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 1.088 tỷ đồng, xuống 4.139 tỷ đồng. Với kết quả này, OCB có năm thứ 2 liên tiếp sụt giảm lợi nhuận khi chỉ hoàn thành 69% kế hoạch năm 2023. Những vấn đề về lợi nhuận nói trên chỉ được giải quyết bằng các văn bản giải trình thô sơ từ ban lãnh đạo NH và được cho qua.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, bởi lẽ nhà đầu tư và cổ đông tại Việt Nam thường không đặt nặng vấn đề phán xét các dự báo với con số đạt được, không xem đó là thước đo về sức khỏe nhà băng, và dễ dàng chấp nhận các giải trình của nhà băng về sai lệch đó.
Trong khi đó ở Mỹ, các dự báo này sẽ được theo dõi chặt chẽ, nếu tổ chức tín dụng không đạt kế hoạch là một cảnh báo “có vấn đề”. Thêm nữa, đối với các NH Việt Nam, hệ thống bút toán trên sổ kế toán có thể điều chỉnh dễ dàng.
Riêng với lợi nhuận, dự phòng rủi ro như là cái van để họ có thể điều chỉnh. Cụ thể nếu muốn tăng lợi nhuận, NH sẽ giảm dự phòng, và ngược lại tăng dự phòng để giảm lợi nhuận.
Vài năm gần đây, các NH đặt kế hoạch và đạt kế hoạch không còn gắn bó mật thiết. Các NH thổi phồng kế hoạch nhưng kết quả đi lùi về lợi nhuận, thậm chí ghi nhận thua lỗ, không đạt kế hoạch đề ra cũng không còn là chuyện lạ.