Lợi thế các nhà băng có còn trong 2022?

(ĐTTCO) - Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 trong năm 2021 đã tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh của nhiều ngành nghề. Trong bối cảnh đó, ngành NH trở thành điểm sáng khi bảng thống kê lợi nhuận vẫn đầy sắc màu lạc quan. Vậy NH đã làm ăn thế nào trong năm dịch bệnh 2021?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lợi nhuận tăng trưởng đáng kể
Tại thời điểm này, nhiều NHTM đã công bố báo cáo tài chính quý IV-2021. Theo ghi nhận, đứng đầu về lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2021 vẫn là ông lớn Vietcombank với 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020.
Khá bất ngờ, Techcombank đã giành lấy vị trí thứ 2 với LNTT gần 23.240 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Tiếp theo là VietinBank với 17.589 tỷ đồng, Agribank 14.500 tỷ đồng và BIDV gần 13.602 tỷ đồng, tăng 51%.
Như vậy, LNTT của Agribank và BIDV không chỉ rớt hạng so với Techcombank, còn xếp sau một số NHTMCP như MB (16.527 tỷ đồng), VPBank (14.580 tỷ đồng). Sự vươn lên của các NHTMCP khiến câu lạc bộ nhà băng lãi chục ngàn tỷ đồng trở nên sôi động trong thời điểm đầu năm 2022. 
Như lệ thường, lợi nhuận khủng của các nhà băng lớn chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần (TNLT). Năm 2021 tín dụng xuất phát đầy khó khăn nhưng lại bứt tốc ở phút cuối, các NH đều đạt mức tăng trưởng tín dụng rất cao.
Điển hình tại Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4%. Theo đó, TNLT cũng lập kỷ lục mới đạt 42.387 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Tương tự, VietinBank cũng đạt kỷ lục về TNLT với gần 41.800 tỷ đồng, tăng 17,5% so với 2020. TNLT của Techcombank ở mức 26.700 tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ 2020, được dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM) cao (đạt 5,6% so với mức 4,9% của năm 2020). Cho vay khách hàng tại MB tăng 22%, TNLT đạt 26.199 tỷ đồng, tăng 29,2% so với 2020… 
Ở nhóm còn lại, HDBank đạt LNTT 8.070 tỷ đồng, tăng 39% và hoàn thành 111% kế hoạch. SHB đạt 6.224 tỷ đồng, tăng trưởng tới 90,5% so với 2020. Lãi trước thuế của MSB cũng đạt gấp đôi 2020 với hơn 5.088 tỷ đồng. OCB lãi trước thuế tăng 25%, đạt gần 5.519 tỷ đồng. Sacombank báo lãi trước thuế hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 32% so với 2020, vượt 10% kế hoạch.
LNTT của SeABank tăng 89% so với 2020, đạt 3.269 tỷ đồng. Kienlongbank lần đầu tiên ghi nhận LNTT vượt hơn 1.000 tỷ đồng (đạt 1.010 tỷ đồng).
Tại các NH có quy mô nhỏ, VietABank ghi nhận hơn 844 tỷ đồng LNTT, vượt 28% kế hoạch. PGBank báo LNTT ở mức 329 tỷ đồng, tăng 55% so với 2020. Vietbank đạt gần 636 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 58%. Eximbank báo LNTT hơn 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với 2020. Dù đã điều chỉnh giảm kế hoạch, Eximbank cũng chỉ thực hiện được 93% kế hoạch đề ra…
Tựu chung, các NH có quy mô lớn có lãi cao nhờ TNLT cao và lãi từ dịch vụ cũng tăng mạnh. Ngược lại, các NH có quy mô nhỏ chưa có nhiều bứt phá do quy mô tín dụng nhỏ, TNLT cũng hạn chế theo và thu từ dịch vụ không đáng kể. Song trên tổng thể, đa số NH đều tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm 2021.

Lợi thế vẫn giữ vững?
Câu chuyện trên trở thành nghịch lý trong bối cảnh chung của nền kinh tế, khi tăng trưởng rất thấp, doanh nghiệp (DN) trải qua năm 2021 vô cùng khó khăn. Các NH liên tục thông báo giảm lãi suất hỗ trợ DN, nhưng thu nhập từ lãi tăng rất mạnh, đẩy lợi nhuận lên cao.
Nguyên nhân của hiện tượng này do mức giảm lãi suất cho vay chậm hơn so với mức giảm lãi suất huy động. Đồng thời, khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm sâu xuống mức không còn đủ hấp dẫn, cùng với việc các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản sôi động, tiền gửi tiết kiệm đã chảy sang tài khoản thanh toán để phục vụ nhu cầu đầu tư.
Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên, NH được hưởng lợi từ nguồn tiền gửi giá rẻ này. 
Một nguyên nhân nữa, trong dịch Covid-19, NH đã hưởng lợi từ sự chuyển đổi thói quen giao dịch của người dân. Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với 2020.
Theo đó, nguồn thu từ dịch vụ của NH cũng gia tăng. Ngoài ra, nhiều khoản thu khác như bán chéo bảo hiểm, đầu tư chứng khoán cũng gia tăng thu nhập cho các nhà băng. 
Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận khủng của NH là lãi cao nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì 2 năm qua, các NH vẫn đang thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23-1-2020 khoảng 616.000 tỷ đồng.
Nhiều khoản nợ xấu nghiễm nhiên trở thành nợ không xấu, trích lập dự phòng rủi ro được dàn trải trong 3 năm, giảm được chi phí. Điều này đồng nghĩa ở thời điểm hiện tại lợi nhuận được công bố còn bao gồm cả lãi dự thu đối với những khoản nợ cơ cấu.
Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của các nhà băng sẽ giảm rất mạnh, và áp lực trích lập dự phòng rủi ro vẫn treo lơ lửng.
Câu hỏi đặt ra, liệu NH còn giữ được vị thế lợi nhuận như hiện tại? Nhìn vào năm 2021, dù được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cuối năm lợi nhuận rất cao, nhưng tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng cũng không quá khả quan.
Như tại Vietcombank, nợ nhóm 4 trong năm 2021 tăng đến 332%, lên 966 tỷ đồng, nợ nhóm 3 tăng 11,3% lên 744 tỷ đồng, nợ nhóm 5 cũng tăng nhẹ 1,7% lên 4.411 tỷ đồng. Tại VietinBank, nợ xấu nội bảng tăng 49% lên hơn 14.300 tỷ đồng và chiếm 1,26% tổng dư nợ. Techcombank cũng ghi nhận tổng nợ xấu tăng đến 77% so với đầu năm, lên mức  2.294 tỷ đồng, trong đó, nợ nhóm 5 đã tăng gấp đôi, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% lên 0,66%... Tính chung cả hệ thống, tỷ lệ nợ xấu có thể lên đến 8,2%. 
Lợi thế nữa của các NH là thu dịch vụ, cụ thể qua hoạt động thanh toán. Nhưng năm nay các NH đang vào cuộc đua miễn phí giao dịch cũng như đổ xô đầu tư NH số để cạnh tranh. Chi phí đầu tư NH số rất cao, nhà băng muốn đẩy mạnh bán lẻ buộc phải chi ra, sẽ khiến lợi nhuận từ NH số không đủ bù đắp chi phí. Hơn nữa năm 2022 lợi thế về chi phí vốn huy động cũng sẽ giảm, do không còn dư địa giảm lãi đầu vào. Dẫu lợi nhuận có vẻ bị đe dọa nhưng NH vẫn có “công cụ” để hóa giải.
Rất nhiều dự báo cho rằng lãi suất cho vay sẽ gia tăng trở lại sau thời gian được hỗ trợ, các NHTM nới rộng NIM để có nguồn tiền đảm bảo chi phí dự phòng rủi ro, cũng như đáp ứng kỳ vọng về lợi nhuận của cổ đông.  
 Nghịch lý trong năm 2021, là đa số NH đều tăng trưởng lợi nhuận đáng kể, trong khi tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống có thể lên đến 8,2%.  

Các tin khác