Từ đầu tháng 7, đã có ý kiến đề xuất gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) và gói hỗ trực tiếp người dân lần 2. Trong trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thảo luận một số lựa chọn tài trợ cho gói kích thích kinh tế lần 2 (nếu có).
Chấp nhận thâm hụt ngân sách
Chấp nhận thâm hụt ngân sách
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà phân tích chính sách trong và ngoài nước đều thống nhất với nhau phải chi tiền từ ngân sách để cứu DN, người dân và toàn bộ nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ cần gia tăng chi tiêu và chấp nhận gia tăng thâm hụt ngân sách.
Thông thường, khuôn khổ tài trợ thâm hụt ngân sách thường phụ thuộc vào các chính sách thuế, tiêu dùng và vay nợ. Ngoài ra, đối với các quốc gia có tỷ trọng kinh tế nhà nước cao như Việt Nam, một công cụ có thể sử dụng là chuyển nhượng các tài sản công, bao gồm các tài sản phi tài chính và thoái vốn tại các công ty cổ phần thuộc sở hữu nhà nước.
Hay như phương thức tài trợ thâm hụt ngân sách đó là tiền tệ hóa thâm hụt, còn được gọi là “tiền trực thăng”.
Đối với mỗi phương thức tài trợ này sẽ có các yếu tố hay tiêu chí ảnh hưởng đến không gian của chính sách. Theo Atashbar (2020) có 4 tiêu chí ảnh hưởng đến không gian tài khóa.
Thứ nhất, để thực hiện chính sách tài khóa đòi hỏi phải có khả năng hoặc tiềm năng tạo ra nguồn lực để thực thi. Chẳng hạn, các quốc gia có tỷ lệ động viên thuế thấp hoặc có nhiều tài nguyên (như dầu mỏ), sẽ có nhiều không gian cho chính sách thuế.
Thứ hai liên quan tác động của chính sách đến các khu vực kinh tế, thậm chí toàn bộ nền kinh tế. Chỉ tiêu này có thể được phân tích thông qua các mô hình kinh tế vĩ mô hoặc các khung phân tích kinh tế khác.
Thứ ba, thời gian để tạo ra nguồn lực và thứ tư là tính bền vững của chính sách, tức liệu chính sách có thể thực hiện được nhiều lần trong trung hạn hay dài hạn hay không.
Lựa chọn chính sách có bộ đệm
Khi khả năng vay trên thị trường quốc tế của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đang hạn chế, việc phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư trong nước có thể là lựa chọn khả dĩ. |
Đối với chính sách thuế, hiện tại không gian cho nó không nhiều do sự suy giảm trong hoạt động của các khu vực và thành phần kinh tế. Ngoài ra, chính phủ cũng đang thực hiện việc hoãn và miễn giảm thuế để hỗ trợ cho DN.
Với vay nợ có thể là nguồn tài trợ cho Việt Nam hiện nay. Trong tháng 4 có thông tin Bộ Tài chính đang đàm phán với các tổ chức cho vay tiềm năng, gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á để vay 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi khả năng vay trên thị trường quốc tế của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đang hạn chế, việc phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư trong nước có thể là lựa chọn khả dĩ.
Hơn nữa, việc đi vay nợ sẽ gặp rào cản là tính bền vững của nợ công khi tỷ lệ nợ công trên GDP bị khống chế ở mức 65%. Do vậy, việc nâng trần nợ công có thể cần được xem xét trong tương lai. Để thu hút các nhà đầu tư trong nước mua trái phiếu trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ có thể xem xét việc phát hành trái phiếu có lãi suất điều chỉnh theo lạm phát.
Về việc chuyển nhượng các tài sản công, theo kế hoạch, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại 85 DN trong năm 2020 với giá trị vốn điều lệ hơn 16.720 tỷ đồng, trong đó có nhiều DN đang niêm yết với giá trị vốn hóa thị trường lớn. Vấn đề đặt ra là thời gian để thực hiện việc này, khi trong năm 2019, SCIC chỉ thoái vốn được 82 tỷ đồng tại 12 DN, thu về cho Nhà nước 314 tỷ đồng, gấp 3,8 lần giá trị vốn bán ra.
Cuối cùng, tiền tệ hóa thâm hụt, phương thức đang được sử dụng tại các quốc gia phát triển. Việc thực hiện phương thức này đòi hỏi phải xác định liều lượng tiền cung ứng, thời gian thực hiện cũng như hậu quả không mong muốn ở hiện tại hay tương lai. Để làm điều này cần dựa trên các mô hình kinh tế vĩ mô, không thể dựa trên mô hình phân tích kinh tế đơn giản. Tuy vậy, đây là sự đánh đổi đặt ra cho Việt Nam khi thực hiện chính sách này là hồi phục kinh tế và chấp nhận các rủi ro kèm theo.
Ngoài việc phân tích các lựa chọn chính sách liên quan đến các cơ chế tạo nguồn lực, mỗi mục tiêu chi ngân sách (ở đây là sức khỏe, hộ gia đình, DN) còn được đánh giá dựa trên quy mô, ý nghĩa hoặc tầm quan trọng của việc chi tiêu, mức độ khẩn cấp và thời gian thực hiện. Khía cạnh khác ngoài việc chi tiêu và quan trọng nhất, là vấn đề nhận dạng nhằm đảm bảo việc chi tiêu của quốc gia đạt được mục tiêu tạo tấm đệm cho việc hồi phục kinh tế.