Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều luật khác. Chính vì thế, đây cũng là đạo luật được nhiều tầng lớp nhân dân và đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ được thông qua để có thể thay đổi căn bản, khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự kiến, ngày mai (3/11) Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Định giá đất là nội dung được nhiều người dân quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai. Việc định giá đúng sẽ giúp đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, đồng thời cũng giúp việc tiếp cận đất đai minh bạch, công bằng hơn.
Theo các đại biểu Quốc hội, hiện dự luật vẫn còn một số điều vướng mắc cần làm rõ và điều chỉnh, nhưng cũng đặc biệt kỳ vọng sẽ được thông qua với những giải pháp tháo gỡ cụ thể, sát thực tế cuộc sống, phù hợp các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
"Nhiều vụ án thanh lý nhà đất trong TP Hồ Chí Minh đã thấy là nhiều cán bộ bị xử lý vì vấn đề giá đất như thế. Do đó tôi hy vọng lần này quy định quy hoạch về giá đất sẽ được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và đạt được sự thống nhất cao. Mong rằng nó vừa phải dễ thực hiện trên thực tế, vừa phải chống được tham nhũng", ông Nguyễn Hải Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, nêu quan điểm.
Theo đánh giá chung, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được xây dựng công phu, tiếp thu khá đầy đủ góp ý, nhiều vướng mắc như chồng chéo các luật cũng đã có giải pháp cơ bản để xử lý.
"Giai đoạn vừa qua còn bất cập do Luật Đất đai và một số luật khác còn vướng mắc, đang còn chồng chéo, xung đột, nhưng lần này chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ về ý kiến. Mong rằng, kỳ vọng của đại biểu và cử tri đang hướng về Quốc hội tại kỳ họp 6 lần này, Luật Đất đai sẽ được thông qua", ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Chỉ trong nửa năm qua, có tới 12 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân đã góp ý vào dự luật. Điều đó cho thấy người dân rất kỳ vọng việc nguồn lực đất đai được đưa vào sử dụng khai thác đúng hướng, hiệu quả. Nếu được thông qua trong kỳ họp 6 này, luật sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để khơi thông nguồn lực đất đai.