Dịch bệnh và ứng phó
Trước hết có thể thấy rõ dịch bệnh đã bộc lộ và làm thay đổi quá nhiều thứ xưa nay chưa từng xảy ra, như cách ly toàn xã hội, học sinh nghỉ học hàng tháng trời. Mỹ và một số nước hành động cứng nhắc theo luật, trong đó có việc buông lỏng chống dịch vì đề cao quyền tự do cá nhân, đã phải trả giá bằng hàng chục triệu ca mắc bệnh và hàng trăm ngàn người tử vong vì dịch bệnh.
Việt Nam nhờ áp dụng rất nhiều biện pháp mạnh, cả xuôi lẫn ngược, cả đúng lẫn sai pháp luật, đã có được kết quả phòng chống dịch thuộc loại tốt nhất thế giới. Tất nhiên, thắt chặt việc giao tiếp, đi lại, lưu thông cũng đồng thời ảnh hưởng lớn đến giao thương và phát triển kinh tế.
Vì vậy, để chống dịch lâu dài, cuối cùng phải đi tới giải pháp: mở cửa giao thương, đề cao cảnh giác, giãn cách xã hội, kịp thời phong tỏa cách ly y tế khi có dịch hoặc nguy cơ dịch bệnh.
Có nghĩa, phải sẵn sàng thay đổi giải pháp, điều chỉnh kế hoạch, theo sát diễn biến dịch bệnh trong nước và trên toàn thế giới. Do đó đã từng kích cầu du lịch rồi phải đóng, mở cửa đón khách nước ngoài rồi phải dừng.
Dịch bệnh lây lan nhanh, nhưng cuộc sống cũng vận động và thích ứng nhanh. Đó là việc bùng nổ thương mại điện tử và việc mua bán hàng online, thay vì mua bán trực tiếp.
Đôi khi sự hạn chế lại biến thành thế mạnh, như chúng ta sử dụng quá nhiều phương tiện cá nhân, đặc biệt là mô tô, xe máy, lại tránh được nguy cơ cao lây lan dịch bệnh qua các phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt, những ngày cấm máy bay, tàu hỏa, xe buýt, taxi, xe máy đã trở thành phương tiện vô cùng hữu dụng duy trì việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Pháp luật và thực tế
Pháp luật và thực tế
Chúng ta đã có khá nhiều quy định pháp luật về việc phòng chống dịch nói chung và phòng chống dịch bệnh nhóm A như Covid-19 nói riêng. Đó là Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị định 110/2010/NĐ-CP và nhiều quy định liên quan khác.
Tuy nhiên, dường như luật chưa đủ và không hoàn toàn phù hợp với một đại dịch quá lớn, quá đặc biệt, quá nguy hiểm bùng phát trên toàn cầu. Luật quy định, việc “cách ly y tế tại cửa khẩu” chỉ không quá 2 ngày. Trên thực tế đòi hỏi phải cách ly ít nhất 14 ngày, thậm chí một số trường hợp đã phải cách ly kéo dài tới 28 ngày như ở Hạ Sơn.
Luật quy định, người bị cách ly tập trung phải tự chịu tiền ăn. Trên thực tế, ngoài chi phí y tế, còn được miễn cả tiền ăn và đa số còn được miễn cả tiền ở.
Luật quy định người mắc bệnh dịch phải khai báo cơ quan y tế gần nhất trong 24 giờ, kể từ khi phát hiện. Nhưng, nếu làm đúng như thế lại rất nguy hiểm, rất dễ dẫn đến “bung” và “toang”.
Do vậy, trên thực tế cả hệ thống chính trị đã chủ động vào cuộc truy lần dấu vết những người có tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp, từ gần đến xa (F1, F2, F3) với người mắc Covid. Do đó, không phải người bệnh báo cho y tế mà là y tế báo cho người bệnh hoặc người có nguy cơ bị lây nhiễm.
Luật quy định, chỉ người mắc, bị nghi ngờ, mang mầm và tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch phải thực hiện yêu cầu cách ly y tế tại nhà, cơ sở y tế hoặc nơi khác. Trên thực tế đã triển khai cách ly tất cả mọi người trên diện rộng, thậm chí trên phạm vi toàn quốc.
Luật quy định chỉ phong tỏa, khoanh vùng cách ly y tế các khu vực đã có người mắc bệnh và có nghi ngờ như Trúc Bạch, Sơn Lôi, Bạch Mai. Trên thực tế đã xuất hiện cả việc tự phong tỏa, tự cách ly toàn bộ dân cư của tỉnh, thành phố với cả nước theo kiểu nội bất xuất, ngoại bất nhập, dù không có ca bệnh nào và không phải là vùng dịch.
Luật quy định, người mắc bệnh, ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế cấp phường nơi cư trú. Trên thực tế bệnh nhân cũng khỏi phải thực hiện điều này, vì đã được bộ máy phòng chống dịch theo dõi chăm sóc kỹ càng.
Pháp luật và tuân thủ
Pháp luật và tuân thủ
Chống dịch phải như chống giặc, với những biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt mới thành công. Tuy nhiên, dù có áp dụng biện pháp gì chăng nữa vẫn đòi hỏi phải dựa vào luật và tuân thủ pháp luật.
Có thể là sự vận dụng linh hoạt, là giải thích rộng hơn hoặc phải sửa luật kịp thời. Chẳng hạn, muốn thắt chặt việc đeo khẩu trang ở nơi cần thiết đã phải sửa tăng mức phạt cá nhân không đeo khẩu trang lên gấp 10 lần, từ tối đa 300 ngàn, lên 3 triệu đồng.
Chúng ta đã có đủ luật để hành động, có đủ chế tài hành chính và hình sự để xử lý vi phạm. Một số trường hợp áp dụng quy định cách ly y tế là sai luật thay vì việc giãn cách xã hội.
Song trong trường hợp thật sự cần thiết, hoàn toàn có thể hợp pháp hóa mọi thứ bằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo luật. Thế nhưng, cũng không nên dễ dàng với nhận thức, cứ làm trái luật miễn sao được việc, vì sẽ dẫn đến hậu họa lâu dài là bỏ qua nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Tất nhiên cuộc sống nói chung và việc chống dịch nói riêng không chỉ dựa vào luật. Tình trạng dịch bệnh trầm trọng ở một số nước không phải do vướng luật, mà chủ yếu vì người dân chỉ muốn hành động theo ý mình.
Cái gì cũng có hai mặt. Năm qua Covid-19 đã mang lại bầu trời trong xanh hơn, mây nắng đẹp hơn, đường phố thông thoáng hơn, đồng thời giúp mọi người quan tâm hơn và có nhiều thời gian hơn ở bên người thân, nhất là vào dịp Tết này./