Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhiều tập đoàn và tổng công ty lớn trên cả nước sẽ lùi kế hoạch cổ phần hóa lại sau năm 2015 do các khó khăn về phương án, định giá.
Thông tin trên đã được công bố tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về việc hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước,” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức ngày 21-5, tại Hà Nội.
Cụ thể, trong tổng số 76 doanh nghiệp lùi kế hoạch cổ phần hóa, 61 doanh nghiệp là thuộc các địa phương và 15 doanh nghiệp trực thuộc các tập đoàn và tổng công ty.
Đáng chú ý, Hà Nội và TPHCM có số doanh nghiệp lùi cổ phần hóa nhiều nhất. Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Sản xuất-Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Haprosimex), mặc dù lộ trình của chính phủ lại phải thực hiện sắp xếp lại trong giai đoạn 2012-2015, nhưng Ủy ban thành phố Hà Nội đã lùi kế hoạch sau năm 2015.
Đánh giá tiến trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thừa nhận tốc độ còn khá chậm.
Cả năm 2012 và trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước mới sắp xếp được 27 doanh nghiệp, cụ thể: cổ phần hóa 16 doanh nghiệp, sát nhập 5 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp và chuyển đổi 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Nguyên nhân là do các tập đoàn và tổng công ty lớn vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, xây dựng đề án tái cơ cấu. Việc xử lý tài chính mất rất nhiều thời gian cùng với tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn cũng tác động lớn tới quá trình sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện vẫn còn 384 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, 875 công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước; trong đó số doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, cổ phần hóa, tiếp tục thoái vốn chiếm khoảng 73%.
Trong tổng số 909 doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, cổ phần hóa và tiếp tục thoái vốn trong giai đoạn 2012-2015, đã có 804 doanh nghiệp (chiếm gần 89%) thực hiện sắp xếp phù hợp với các nội dung quy định tại Quyết định 14/2001/QĐ-TT. Tuy nhiên bên cạnh đó, tỷ lệ các doanh nghiệp vốn Nhà nước dự kiến cổ phần hóa còn khá cao, vẫn còn hơn 10% số doanh nghiệp chưa được phân loại đúng theo các tiêu chí tại Quyết định 14.
Tại hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ đề xuất để hoàn thiện các tiêu chí, danh mục nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, như: Để đảm bảo tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, không nên chỉ nêu ở một mức Nhà nước nắm giữ trên 50% như quy định tại Quyết định số 14 đồng thời xác định cụ thể tiêu chí lĩnh vực ngành nghề chính hoặc quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Về đối tượng sắp xếp và phân loại, do hiện nay một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước có số lượng doanh nghiệp cấp 3 khá lớn, như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia có 206 doanh nghiệp, do đó cần cân nhắc, bổ sung định hướng sắp xếp với các doanh nghiệp này, để thu gọn về một đầu mối, tránh phức tạp trong điều hành, quản lý tổ hợp mẹ, con.
Ngoài ra, tại hội thảo nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm tiêu chí về quy mô vì trường hợp quy mô và tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp quá nhỏ dẫn đến việc Nhà nước nắm giữ phần vốn tại các doanh nghiệp này sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Đối với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, Nhà nước cũng không nên nắm giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp này do sản phẩm được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu nên không cần thiết phải có vai trò của Nhà nước.
Tuy nhiên, một số đơn vị đề nghị Nhà nước tiếp tục giữ cổ phần chi phối hoặc giữ 100% vốn điều lệ do các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa không thực hiện cổ phần hóa được hoặc do chưa có cơ chế đầy đủ về giá, phí.