Hôm qua (1.6), Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022 và việc kéo dài chính sách thí điểm xử lý nợ xấu.
Đề nghị Bộ Công an mở rộng điều tra “thổi giá”
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ ra các tiêu cực, góc khuất trong hoạt động đấu giá bất động sản (BĐS) vừa qua.
Thứ nhất, theo đại biểu (ĐB) Thủy, việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta với muôn vàn lý do. Tuy nhiên, vừa qua không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này, thắng với mức đấu giá cao chót vót, sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số.
“Ví dụ ở Thủ Thiêm, ngay sau cuộc đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu, thực chất là giá ảo để té nước theo mưa, đẩy giá đất, giá nhà tại TP.HCM lên cao để kịp thời bán sang một số lượng lớn nhà đất mà họ đã mua gom trước đó. Có những nhà đầu tư còn lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu của mình”, ĐB Thủy nói và lưu ý thêm việc giá đất bị đẩy lên quá cao cùng với giá ảo sẽ khiến cho giấc mơ an cư của những người có thu nhập thấp ngày càng trở nên xa vời.
Thứ hai, theo ĐB Thủy, việc bắt tay nhau để dìm giá, mua rẻ tài sản của nhà nước, nhất là đất đai diễn ra tại nhiều phiên đấu giá. Hành vi thông đồng có thể được diễn ra giữa những người tham gia đấu giá với nhau, còn gọi là “quân xanh, quân đỏ” để lót đường cho một nhà đầu tư đã định sẵn trúng với giá rẻ, và giá trị thực của nhiều lô đất đã bị những "quân xanh, quân đỏ" này dìm xuống… Thủ đoạn này đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho tài sản của nhà nước chứ không chỉ đơn thuần là những vi phạm về quy định đấu giá, đấu thầu.
ĐB Thủy tiếp tục phản ánh ý kiến từ giới kinh doanh BĐS, rằng không thể tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có tay trong, ở mức độ vi phạm đơn giản cũng phải có tay trong cung cấp thông tin, tiết lộ thông tin thì mới có thể tổ chức quây thầu, vây thầu để trúng với giá rẻ, còn ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì đó là sự cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích, rút ruột của nhà nước từ các phiên đấu giá.
Cử tri rất thắc mắc các cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy? Trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) |
“Những chiêu trò "quân xanh, quân đỏ", thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, đánh võng giá đất, thổi giá đất nêu trên đã gây ra những hệ lụy rất lớn với KT-XH, do đó cần phải mạnh tay xử lý”, ĐB Thủy nói, và kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này. Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận vừa qua để xác minh, điều tra làm rõ, nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động này.
Chia sẻ góc nhìn từ các vụ án xảy ra tại FLC, Tân Hoàng Minh, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng phản ánh cử tri rất thắc mắc vì sao các giao dịch bất thường về mua bán cổ phiếu, trái phiếu BĐS cả xã hội thấy mà các đối tượng này lại dễ dàng qua mắt cơ quan quản lý.
“Khi các cá nhân này rơi vào vòng lao lý lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý chuyên ngành các lĩnh vực đó. Cử tri rất thắc mắc các cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy? Trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, ĐB Tạ Thị Yên nói.
Chấn chỉnh cán bộ thuế lạm quyền, nhũng nhiễu
Trong khi đó, cũng là vấn nạn của thị trường BĐS, nhưng ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đặc biệt lưu ý đến tình trạng 2 giá trong giao dịch, chuyển nhượng BĐS gồm giá giao dịch thực tế, giá kê khai khi nộp thuế còn xảy ra phổ biến, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Theo ĐB Bình, cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá hợp đồng thực tế. Chính vì vậy, việc áp dụng biện pháp để chống thất thu thuế trong hợp đồng kinh doanh, chuyển nhượng BĐS ở địa phương là không thống nhất, mỗi nơi, mỗi người áp dụng một kiểu. Việc thiếu cơ sở pháp lý khiến một số nơi có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá BĐS tính thuế.
“Nhiều nơi yêu cầu phải áp dụng mức giá tính thuế cao hơn 1,2 - 1,5 lần, thậm chí có nơi gấp 2 lần mới giải quyết hồ sơ. Nếu không thực hiện thì sẽ ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường theo khảo sát. Tuy nhiên, căn cứ nào xác định giá hợp đồng sát với giá thị trường và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra”, ĐB Bình phản ánh, đồng thời đề nghị Chính phủ, QH sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, thuế trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất sát với giá thị trường đất đai.
Về lỗ hổng chứng khoán, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dẫn thống kê từ tháng 3.2020 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu tới cuối tháng 4.2022, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tới 68.000 tỉ đồng, tương đương hơn 3 tỉ USD. Còn tính từ đầu năm 2022 tới cuối tháng 4, mức bán ròng của nhóm này đạt 4.400 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD.
“Có phải dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra, một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường BĐS và nhiều thị trường tài sản, tài chính nói chung khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp? Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào? Liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này hiện thực sự đứng ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng cỡ nào trong thời gian tới?”, ĐB Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.
Tất nhiên, theo vị ĐB đoàn Quảng Trị, những ngành kinh doanh BĐS, chứng khoán, dịch vụ, tài chính ngân hàng đã kiếm lợi lớn trong suốt thời đại dịch. Theo đó, thu ngân sách nhà nước từ các lĩnh vực này cũng tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách nhà nước thặng dư cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch đã được đặt ra trong phiên thảo luận tại tổ về KT-XH đầu kỳ họp này. Song, những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu là toàn thị trường tài chính, tiền tệ, tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo, đang gia tăng và tích tụ rủi ro nay đối mặt với tình trạng lạm phát cao toàn cầu.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH: Đừng để hy vọng của người dân trở thành nguội lạnhĐB băn khoăn về việc triển khai gói phục hồi kinh tế quá chậm, rất có thể không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. "Một câu hỏi đặt ra chúng ta có lý do để chậm không? Cá nhân tôi cho rằng chúng ta không có nhiều lý do để chậm", bà Mai nói và nhìn nhận, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế triển khai trong điều kiện khách quan có thuận lợi khi dịch bệnh cơ bản được khống chế và đẩy lùi, nguồn lực sẵn sàng, quy trình thủ tục đơn giản hóa tối đa và thực hiện phân cấp tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương. Bà Mai cũng băn khoăn: Với việc triển khai chậm như vậy có lãng phí cơ hội, thời gian hay không? Nếu như chúng ta đang lãng phí thời gian, cơ hội thì cũng đang lãng phí nguồn lực, ngân sách. "Chúng ta có một kỳ họp QH đặc biệt, chương trình đặc biệt nhưng cũng rất cần quyết tâm đặc biệt, cách làm đặc biệt. Chính phủ cần rà soát tổng thể xem đang chậm ở đâu, vướng ở đâu và cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân không đảm bảo tiến độ", ĐB Mai nêu và cho biết rất thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt nhưng rất mong chương trình phục hồi kinh tế "sẽ không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh". ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Đẩy nhanh hơn gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệChính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43 của QH. Mặc dù, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết, nghị định… tuy nhiên, các nghị định này còn chậm đưa vào cuộc sống. Trước mắt, cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy nhanh chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp. Đây là thế mạnh của nước ta và các nước trên thế giới đang bị khủng hoảng về lương thực. Triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa cấp thiết; phối hợp hài hòa, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và điều hành lãi suất theo lạm phát cơ bản, lạm phát mục tiêu, ưu tiên dòng vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ không để lãi suất tăng cao, cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế. ĐB Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa): Cần giảm ngay thuế xăng, dầuHiện nay, Chính phủ đang điều hành giá xăng, dầu trong nước theo giá thế giới, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, dự báo giá xăng, dầu có khả năng tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao. Giá xăng, dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Vừa qua, căn cứ quy định của luật Thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện nay xăng, dầu đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế suất này do QH quyết định. Để bảo đảm linh hoạt trong việc kiềm chế giá xăng, dầu tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, kiềm chế lạm phát, tôi đề nghị ngay tại kỳ họp này QH giao cho Ủy ban Thường vụ QH quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng, dầu trong năm 2022, tương tự như đối với thuế bảo vệ môi trường trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Việc giảm thuế đối với xăng, dầu có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, với giá dầu thô tăng cao mà Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô, do đó chúng ta có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này. |