Bộ trưởng Guzmán đóng vai trò then chốt trong thỏa thuận gần đây của Argentina với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tái cơ cấu khoản nợ 44 tỷ USD.
Nội các chia rẽ
Nội các chia rẽ
Căng thẳng trong chính phủ đã sôi sục về cách xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế. Và ông Guzmán, một người tương đối ôn hòa, đã đụng độ với phe diều hâu của liên minh cầm quyền, do Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner dẫn đầu. Bà đã công khai chỉ trích cách xử lý nợ với IMF, kêu gọi tăng chi tiêu công và nhiều hành động của chính phủ để chống lạm phát.
Sau khi ông Guzmán từ chức, phần lớn đội ngũ của ông tại Bộ Kinh tế cũng từ chức. Eugenio Marí, nhà kinh tế trưởng tại trung tâm nghiên cứu chính sách công Fundación Libertad y Progreso, cho biết: “Việc Bộ trưởng Guzmán từ chức thực sự hé lộ sự rạn nứt nội bộ trong chính phủ. Về khía cạnh kinh tế, nó khuếch đại những bất ổn hiện hữu của Argentina”.
Trong bức thư từ chức gửi Tổng thống Alberto Fernández được đăng trên Twitte, ông Guzmán cho rằng ít nhất một phần lý do ra đi của ông là vì thiếu sự hậu thuẫn chính trị trong chính phủ. Ông viết: “Từ kinh nghiệm của mình, tôi coi một thỏa thuận chính trị trong liên minh cầm quyền sẽ là điều cơ bản để người kế nhiệm tôi có quyền kiểm soát, tập trung các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô cần thiết nhằm đối mặt với những thách thức phía trước”.
Guzmán đã giữ chức Bộ trưởng Kinh tế kể từ khi chính phủ Fernández bắt đầu vào ngày 10-12-2019. Ngay từ đầu trong chính quyền, ông được coi là đồng minh trung thành của Tổng thống, nhưng cũng là người bắc cầu chia rẽ trong liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, ông đã xung đột với một số quan chức trung thành với Phó Tổng thống Cristina Fernández (người từng là cựu Tổng thống) và ảnh hưởng của ông trong chính phủ dường như đang suy yếu.
Nhiều “vết nứt” trong nền kinh tế
Thách thức đầu tiên trong công việc và cũng là thành công của Guzmán là đàm phán tái cơ cấu nợ của Argentina và tránh vỡ nợ. Sau đó, ông đã đạt được thỏa thuận về việc xóa nợ với IMF. Nhưng một số thành phần thiên tả của chính phủ cho rằng nó bao gồm quá nhiều nhượng bộ sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế của Argentina. Các nhà lập pháp liên minh với Phó Tổng thống đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận với IMF tại Quốc hội.
Việc Guzmán từ chức làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu nước này có thể đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận hay không, bao gồm các mục tiêu về lạm phát, mức dự trữ và cân bằng tài chính - tất cả đều đang ở mức căng thẳng. Maria Castiglioni, nhà kinh tế tại C&T Asesores Económicos, cho biết: “Điều này không tốt, nó khẳng định có vấn đề chính trị, đặt ra câu hỏi về việc liệu chính phủ có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng hay không”.
Trước khi chính thức rời chức vụ, ông Guzmán sẽ đến Pháp để đàm phán về việc tái cơ cấu khoản nợ 2 tỷ USD với CLB Các nhà Cho vay có chủ quyền ở Paris. Việc tái cơ cấu khoản nợ này được coi rất quan trọng để mở lại khả năng tiếp cận của Argentina đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài cần thiết cho cơ sở hạ tầng và năng lượng. Trong đơn từ chức, Guzmán nói mục tiêu chính của ông khi nhận công việc này là "bình ổn nền kinh tế", và để làm được điều đó phải "giải quyết các vấn đề về nợ nước ngoài”.
Ngoài nặng nợ, nền kinh tế Argentina còn đối mặt nhiều vấn đề khác. Trái phiếu có chủ quyền của Argentina đã giảm xuống còn 20 xu so với giá trị mặt 1USD. Áp lực đang gia tăng đối với đồng peso Argentina. Với việc đồng peso trượt giá so với đồng USD, chính phủ hôm 28-6 đã có các quy định khiến việc đổi USD để thanh toán hàng nhập khẩu khó hơn.
Argentina đã phải chịu đựng tình trạng thiếu USD trong nhiều năm, một phần xuất phát từ việc người Argentina không tin tưởng vào đồng tiền của họ trong bối cảnh lạm phát cao. Lạm phát đang diễn ra với tốc độ hàng năm hơn 60%, và các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ này sẽ tiếp tục tồi tệ hơn.
Việc tài xế xe tải đình công vì năng lượng khan hiếm và đắt đỏ đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế, bao gồm cả việc giao hàng đến các cảng ngũ cốc, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Argentina. Hôm 29-6, chính phủ cho biết đang cố gắng tăng lượng dầu diesel trên thị trường bằng cách cho phép trộn thêm nhiên liệu sinh học vào nhiên liệu, đồng thời tạm dừng thuế nhập khẩu đối với dầu diesel.
Argentina sản xuất dầu diesel nhưng không đủ cho nhu cầu nội địa và phải phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi giá xăng dầu thế giới đang tăng mạnh. Các nhà phân tích cho rằng một trong những lý do dẫn đến tình trạng thiếu hụt, là việc các công ty dầu mỏ nhập khẩu dầu diesel không có lãi vì chính phủ ngăn họ tính giá mua trên thị trường quốc tế.
Nặng gánh người kế nhiệm
Ngoài là “kiến trúc sư đàm phán nợ”, ông Guzmán cũng giám sát các chính sách thuế đối với năng lượng và ngũ cốc, nên người thay thế ông sẽ phải tiếp quản lượng công việc khổng lồ. Ngày 3-7, Tổng thống Fernandez đã bổ nhiệm Silvina Batakis để thay thế Guzman. Bà này được coi gần gũi hơn với Phó Tổng thống Fernandez de Kirchner, đã ủng hộ nỗ lực của bà để tăng chi tiêu công và các chính sách can thiệp kinh tế khác. Batakis đã tuyên thệ nhậm chức vào 4-7, với thông điệp: “Tôi tin vào sự cân bằng tài khóa và chúng ta phải đi theo hướng đó”.
Tuy nhiên, việc nhậm chức của bà Batakis đã vấp phải phản đối từ các hiệp hội nông dân, vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, do mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Argentina là ngũ cốc. Nicolas Pino, người đứng đầu Hiệp hội Nông thôn SRA, cho biết: “Chúng tôi muốn biết các kế hoạch và chương trình nghị sự để giải quyết các vấn đề nông dân gặp phải. Hy vọng tân Bộ trưởng sẽ sớm nói cho chúng ta".
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên minh Nông thôn (CRA), Gabriel de Raedemaeker đã viết trên Twitter, cho thấy nền kinh tế “đang chết chìm”. Gustavo Idigoras, Trưởng phòng ngũ cốc CIARA-CEC, cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ không có bất kỳ sự can thiệp nào có hại đối với xuất khẩu”.