Do biến động của tình hình thế giới khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng; dệt may 30-50%; chế biến gỗ 70%; công nghiệp phụ trợ 50%... Gần nửa triệu lao động chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp cố gắng chưa cắt giảm công nhân, song đã ngừng tăng ca, giảm giờ làm, cắt phép năm cho người lao động. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng BHXH để hỗ trợ doanh nghiệp, giữ việc cho công nhân.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 11, hơn 472.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Trong đó, hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng. Trước những khó khăn về đơn hàng cuối năm của doanh nghiệp bị sụt giảm, người lao động phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm và hầu như không có tăng ca.
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, lúc này Nhà nước cần có chính sách giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động. Trong đó, việc trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng là một trong những giải pháp nên được thực hiện.
“Theo như quy định, người lao động làm việc 12 tháng mà nghỉ còn được hưởng từ quỹ đó 3 tháng. Nên cân nhắc hỗ trợ cho doanh nghiệp ít nhất là 3 tháng, từ nay đến ra Tết nguyên đán. Còn sau Tết nguyên đán thì tùy tình hình thực tế để có những chính sách tiếp theo. Còn theo luật thì tôi nghĩ đó là chính sách dài hơi, có thể có những điều kiện, quy định phù hợp với quy định của pháp luật nhưng đặc biệt trong giai đoạn này thì nên có những chính sách đặc biệt như trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid”, bà Vi Thị Hồng Minh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị được miễn giảm phí công đoàn. Thay vì chuyển nguồn kinh phí lên công đoàn cấp trên thì Nhà nước cho doanh nghiệp hoặc công đoàn cơ sở giữ lại, hỗ trợ cho lao động thời gian nhất định. Qua giai đoạn này, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Trưởng phòng nhân sự, Công ty May Tinh Lợi, Hải Dương nêu ý kiến: “Ngoài vấn đề giảm chi phí đóng bảo hiểm và các loại thuế cho doanh nghiệp và người lao động, thêm nữa chúng tôi cũng có đề nghị về phía người lao động, chính vì sắp đến Tết cho nên tâm lý người lao động lo lương thấp, không đủ chi phí đảm bảo cuộc sống. Thì chúng tôi cũng rất mong là có chính sách nào đó hỗ trợ cho công nhân có thu nhập thấp. Ngoài ra, những lao động ở tỉnh xa dịp Tết về ăn Tết có thể được hỗ trợ”.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản (VASEP) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới rộng tín dụng để doanh nghiệp được vay vốn nhằm chăm lo cho lao động. Đồng thời, Chính phủ nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, bình ổn giá xăng dầu, điện để sản xuất được ổn định. Thống kê hồi cuối tháng 8 cho thấy tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ rất thấp, chỉ hơn 4.400 trên quy mô 40.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp chưa tiếp cận được khi gặp khó về thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét gia hạn gói 26.000 tỷ đồng, bởi nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động lẫn doanh nghiệp phù hợp áp dụng trong thời điểm này.
“Nghị quyết 68 vừa rồi hết hạn vào tháng 6, thì tôi nghĩ lấy NQ 68, nới hạn thêm hoặc làm sao về mặt quy phạm sao cho phù hợp, áp NQ 68 vào thời điểm này là gọn nhẹ nhất, người lao động và doanh nghiệp đều được hưởng và có đến 13 chính sách trong NQ 68 có thể chỉnh hoặc lược lại. Về mặt chính sách thì đề nghị lãnh đạo Bộ sớm kiến nghị càng sớm càng tốt chứ để nó nguội mới ban hành thì khó khăn”, ông Nguyễn Văn Lâm cho hay.
Nhận định làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài ít nhất hết quý I/2023, trong khi công nhân mất việc, giảm thu nhập khó xoay trở dịp Tết, ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ của gói 26.000 tỷ đồng là phù hợp bởi nếu ban hành gói mới, các địa phương còn phải trình và đợi HĐND thông qua.
“Nếu chúng ta xem xét Nghị quyết 68 có rất nhiều chính sách kể cả hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, chúng ta kéo dài được hoặc là chúng ta điều chỉnh để đỡ mất thời gian được thì cái đó là nhanh nhất và thuận lợi nhất. Bây giờ nếu để từng địa phương làm, khi mà xây dựng một nghị quyết để sử dụng ngân sách tỉnh thì phải trình HĐND nhưng cái nào nhanh nhất, kể cả trong thời gian dịch vừa rồi ban hành một nghị quyết mà trình HĐND phải mất 2 tháng, như thế thì thời gian sẽ rất chậm”, ông Nông Văn Dũng cho hay.
Tết nguyên đán đang đến gần, đời sống của công nhân lao động vốn đã nhiều khó khăn sẽ càng khó khăn hơn khi mất việc, giãn việc. Hơn lúc nào hết, họ cần được trợ giúp thiết thực để vượt qua khó khăn hiện tại. Nhiều đề xuất được đưa ra và các quyết sách hỗ trợ lúc này không chỉ cần nhanh, sớm mà còn cần thông thoáng về thủ tục để đến ngay được với người lao động.