Méo mó bộ mặt đô thị

Trong khu vực nội thành TPHCM hiện có nhiều nhà trẻ, trường mầm non, trung tâm ngoại ngữ, cơ sở khám chữa bệnh mọc lên từ việc cải tạo những căn nhà chỉ có chức năng để ở. Việc hình thành những cơ sở tự phát này cùng với sự quản lý lỏng lẻo, thiếu phối hợp trong quá trình cấp phép giữa các cơ quan chức năng đã làm cho bộ mặt đô thị trở nên méo mó, kéo theo nhiều hệ lụy như tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.

Trong khu vực nội thành TPHCM hiện có nhiều nhà trẻ, trường mầm non, trung tâm ngoại ngữ, cơ sở khám chữa bệnh mọc lên từ việc cải tạo những căn nhà chỉ có chức năng để ở. Việc hình thành những cơ sở tự phát này cùng với sự quản lý lỏng lẻo, thiếu phối hợp trong quá trình cấp phép giữa các cơ quan chức năng đã làm cho bộ mặt đô thị trở nên méo mó, kéo theo nhiều hệ lụy như tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ.

Biến tấu từ nhà ở

Đường Lê Quý Đôn (quận 3) trước đây vốn nhỏ, yên tĩnh và đẹp bởi có nhiều căn biệt thự kiến trúc độc đáo. Nhưng nay ai qua đây vào giờ tan tầm cũng ngán ngẩm bởi tình trạng kẹt xe.

Theo cư dân sống tại khu vực này, nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu do 2 trường mầm non quốc tế mới mở sau khi cải tạo lại các biệt thự. Giờ cao điểm, hàng loạt xe hơi, xe máy đón học sinh chiếm hết lòng đường.

Việc cấp phép cho cải tạo nhà ở thành cơ sở kinh doanh, phòng học... đang gây nhiều hệ lụy đến trật tự đô thị.

Việc cấp phép cho cải tạo nhà ở thành cơ sở kinh doanh,
phòng học... đang gây nhiều hệ lụy đến trật tự đô thị.

Không chỉ ở đường Lê Quý Đôn, hàng loạt căn nhà nằm trên những con đường khác của TPHCM đã bị biến thành trường học, bệnh viện, nhà hàng... Vì vậy, đây là những nơi tập trung một lượng người đông quá giới hạn so với quy hoạch, thiết kế ban đầu của phố xá, gây nên cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên trong những giờ cao điểm.

Các căn nhà phố có sân vườn trên con đường yên tĩnh Phan Kế Bính (quận 1) và trong một con hẻm trên đường Võ Thị Sáu (quận 3)... đã biến thành trường mầm non quốc tế.

Tương tự, trên đường Lê Quang Định (Gò Vấp), Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình)...  có khá nhiều căn nhà phố được tận dụng làm trường học. Nhìn bề ngoài, mặt tiền những cơ sở này khá hoành tráng nhưng thật ra kết cấu bên trong vẫn là dạng nhà ở được “chế” lại cho phù hợp với nhu cầu kinh doanh.

Không chỉ trong nội thành mà ngay cả ở những khu đô thị mới như ở quận 7, quận 9, quận 2… những căn nhà liên kế cũng bị các chủ đầu tư cải tạo thành trường mầm non, trung tâm ngoại ngữ, trường dạy nghề mà không gặp phải sự kiểm tra nào của các cơ quan chức năng. Điều đáng nói: tất cả công trình này đều được cấp phép.

Hiện nay ngành giao thông đang "kêu trời" vì nạn kẹt xe do việc cấp phép nhà ở thành trường học, bệnh viện nằm ở những vị trí giao thông "hiểm", thậm chí có nhiều cơ sở nằm trong hẻm. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải rà soát, kiểm tra lại các khâu trong việc cấp phép của các sở ngành.

Mạnh ai nấy cấp

Năm 2009, UBND TPHCM đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển phối hợp với các sở, ngành, quận - huyện đề xuất cơ chế phối hợp giải quyết tình trạng trên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP - cho biết sau 2 năm lập kế hoạch, khảo sát thực tế, đề tài đã được chuyển thành đề tài nghiên cứu khoa học nên chưa được công bố.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì các cơ quan cung cấp thông tin quy hoạch, cấp phép xây dựng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động độc lập, không phối hợp với nhau.

Hiện nay Sở Quy hoạch Kiến trúc cung cấp thông tin quy hoạch, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng, còn việc cấp phép đăng ký kinh doanh lại thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư.

Khi tiến hành chuyển đổi công năng của nhà ở thành trường học, cơ sở khám chữa bệnh…, giấy tờ quan trọng nhất chủ đầu tư phải có là giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp không yêu cầu phải nộp giấy tờ có liên quan đến địa điểm kinh doanh.

Do đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư không có thẩm quyền kiểm tra công trình nhà ở được đăng ký làm điểm kinh doanh có phù hợp chức năng mới và quy hoạch khu vực xung quanh hay không.

Đó là chưa kể việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn theo ngành nghề như các cơ sở y tế do Sở Y tế hay trường học do Sở Giáo dục - Đào tạo cấp phép. Riêng các cấp học mầm non, tiểu học tư thục thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND quận, huyện.

Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết có thể khoảng 2 tháng nữa sẽ hoàn tất đề tài này. Theo đó, phát triển kinh tế phải đồng bộ với quản lý đô thị. Khâu nào yếu, bất hợp lý phải được giải quyết triệt để.

Năm 2009, TPHCM đã đưa ra giải pháp: Khi xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp của chức năng công trình đăng ký kinh doanh với chức năng sử dụng theo quy hoạch.

Nếu chức năng công trình và mục đích đăng ký khai thác kinh doanh không phù hợp, cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền về quy hoạch - kiến trúc và cơ quan cấp phép xây dựng để xem xét điều chỉnh chức năng hoặc thiết kế của công trình. 

Các tin khác