Tiếp theo Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang tạm dừng đón du khách nước ngoài đến tham quan, các khu du lịch tạm đóng cửa, tour du lịch thông báo hoãn. Nhiều ngành hàng kinh doanh bị “thấm đòn” do sụt giảm doanh thu; chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào gián đoạn, tắc đầu ra, gây đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác sẽ được thực thi hỗ trợ DN.
Người đứng đầu Chính phủ đã cam kết có chương trình tổng thể hỗ trợ DN một cách toàn diện, giảm chi phí, miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn - hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19. Song, hiệu quả thực sự của chính sách mới còn phụ thuộc vào “độ trễ chính sách”, năng lực hấp thu vốn và cách thức tháo gỡ nút thắt thủ tục hành chính...
Mặc dù có một số DN quy mô lớn trong ngành hàng thủy sản, lương thực, nhưng đa số DN ĐBSCL có quy mô nhỏ và vừa. Theo Sách trắng DN Việt Nam năm 2019, toàn vùng ĐBSCL có hơn 53.000 DN, chiếm 7,4% tổng số DN cả nước, thấp hơn nhiều so với miền Đông Nam bộ (295.000), đồng bằng sông Hồng (hơn 222.000) và Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung (gần 96.000).
Sản xuất kinh doanh của DN đồng bằng gắn chặt với ngành nông nghiệp, thủy sản, từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm phụ thuộc các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ…
Trong khi các thị trường này đang chịu tác động của dịch Covid-19. Doanh thu của DN sụt giảm mạnh, thấy rõ nhất là ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, tổ chức sự kiện và kể cả ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Khó khăn này kéo theo hàng loạt khoản nợ ngân hàng. Các khoản nợ ngân hàng đến hạn phải trả, trong khi doanh thu sụt giảm, DN không xuất khẩu được hàng hóa do việc phong tỏa lưu thông của các quốc gia.
DN đang ốm yếu và tìm thầy thuốc để chữa bệnh. Chính sách hỗ trợ là liều thuốc tốt nhất cho DN thời điểm này. Để khỏi bệnh, DN phải nỗ lực hết sức, có chiến lược bài bản mới đủ điều kiện chạm tới các khoản miễn, giảm, giãn thuế, giảm lãi suất. Nhìn ở góc độ vĩ mô, tình hình dịch bệnh căng thẳng phải chịu hy sinh về kinh tế, nhưng nếu DN không thể thích nghi, không tính toán đến các phương án kinh doanh không thể gượng dậy khi dịch lắng dịu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động các giải pháp hỗ trợ vốn cho DN vượt qua cơn khó, nhưng quan trọng là DN phải làm gì để hấp thụ được chính sách này. DN phải chủ động chuẩn bị nhiều phương án để triển khai ngay kế hoạch sản xuất kinh doanh, có nội lực để hấp thụ vốn. Nếu không gói tín dụng này sẽ không tới được các doanh nghiệp miền Tây.
Vấn đề khác là DN phải nhìn lại thị trường nội địa. Ngay bây giờ, tâm lý mua hàng tích trữ đã xuất hiện ở trong dân và đã tác động nhất định đến giá cả thị trường. Sản xuất đang bị đình đốn vì dịch Covid-19, nếu không có sự chuẩn bị, tác động còn lớn hơn. Đặc biệt là ĐBSCL - vùng sản xuất chủ lực về lương thực, thực phẩm, trái cây cả nước. Thị trường dù đang khó nhưng phải chuẩn bị để khi khơi thông trở lại mới có thể đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường.
Dĩ nhiên không mong chờ tình huống dịch bệnh hay thiên tai do hạn mặn, nhưng DN phải biến thách thức thành các cơ hội kinh doanh. DN đang là người bệnh mới uống thuốc sức khỏe không thể phục hồi nhanh được, cần có lộ trình phục hồi để nắm bắt các cơ hội. Cơ hội đó là nhu cầu thị trường sau dịch. Các cơ quan quản lý làm sao phải cung cấp thông tin đầy đủ cho DN để DN xác định đúng nhu cầu trong từng thời điểm.