Miền Trung, miền Nam có mưa lớn do áp thấp

(ĐTTCO)-Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 21-12, bão số 14 trên khu vực Nam Biển Đông đã giảm cấp thành áp nhiệt đới. 
Bão số 14 trên khu vực Nam Biển Đông đã giảm cấp thành áp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia
Bão số 14 trên khu vực Nam Biển Đông đã giảm cấp thành áp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia

Chiều 21-12, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc - 113,1 độ Kinh Đông, cách bãi Huyền Trân khoảng 260km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. 

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo kể từ chiều 21-12, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Tuy nhiên, theo cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới ở Nam Biển Đông đang tương tác với một rãnh thấp có trục hoạt động ở khoảng 7 - 10 độ Vĩ Bắc (đi qua Nam bộ và Trung bộ), kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao. Do đó, từ đêm 21-12 đến ngày 23-12, tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.

Các tỉnh Nam bộ từ chiều 22-12 bắt đầu có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 40 - 80mm/đợt, có nơi trên 100mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Hiện nay ở phía Bắc của nước ta, về đêm, thời tiết rất lạnh, nhiệt độ xuống sâu; ban ngày hửng nắng, nhiệt độ tăng dần. Rạng sáng 21-12, dọc khu vực đỉnh Fansipan (Lào Cai), từ độ cao 2.800m trở lên xuất hiện hiện tượng băng giá phủ lớp dày do nhiệt độ đột ngột xuống dưới 0°C. Dự báo, hiện tượng này có thể tiếp tục xuất hiện trong những ngày tới.

Ngày 21-12, UBND TPHCM đã có chỉ đạo khẩn yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó với bão số 14.

Theo đó, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP đã được ban hành tại Quyết định số 3357/QĐ-UBND. 

Đối với các quận, huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ, UBND TPHCM yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng, lương thực, thực phẩm… ứng phó với bão số 14, nhất là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vừa có thông báo hỏa tốc về việc cấm tàu, thuyền ra khơi hoạt động từ 11 giờ ngày 21-12 cho đến khi có thông báo cuối cùng về cơn bão số 14.

Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn gửi Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị hỗ trợ tìm kiếm 2 nhân viên bị sóng cuốn rơi xuống biển vào sáng cùng ngày, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại Trạm hải đăng Hòn Hải, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Ngày 21-12, tỉnh Trà Vinh ghi nhận độ mặn xuất hiện từ 1‰ đến trên 7‰ tại một số nhánh sông và một số cống thủy lợi đầu mối. Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh bắt đầu ghi nhận nước mặn xâm nhập từ ngày 17-12 và đến nay có xu hướng tăng lên. Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đã được yêu cầu tăng cường nhân lực nhằm kiểm soát mặn, đóng - mở các cống thủy lợi đầu mối linh hoạt để ngăn mặn, trữ ngọt hợp lý phục vụ tốt cho sản xuất.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình trạng mặn xâm nhập ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Mặn xâm nhập sớm hơn 1,5-2 tháng so với trước đây và thường bắt đầu từ tháng 1. Tần suất các đợt hạn mặn gần đây tăng lên, kéo theo diện tích chịu tác động của hạn mặn có thể chiếm 65%-70% toàn vùng.

Các tin khác