Ngày 4-4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà chủ trì cuộc họp với các chuyên gia nhằm tìm kiếm các giải pháp để xây dựng mô hình phát triển cho kinh tế TPHCM. Cuộc họp đã chỉ ra những tồn tại yếu kém và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Chất lượng tăng trưởng chưa cao
Theo Phó Chủ tịch UBND Lê Mạnh Hà, lãnh đạo TP muốn nghe ý kiến đóng góp thẳng thắn từ các chuyên gia để xây dựng Đề án tái cấu trúc nền kinh tế TPHCM, xác lập lại mô hình tăng trưởng, năng lực cạnh tranh với các địa phương và hội nhập khu vực cũng như quốc tế.
![]() |
Ngành dệt may TPHCM cần sớm chuyển sang thiết kế mẫu mã, thời trang. Ảnh: LÃ ANH |
Ông Đinh Sơn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng thời gian qua chất lượng tăng trưởng kinh tế TP không cao, giá trị gia tăng có xu hướng giảm, chủ yếu gia công lắp ráp, đặc biệt năng lực cạnh tranh có chiều hướng đi xuống do chi phí của DN tăng cao…
“Cấu trúc kinh tế TP còn có nhiều nhược điểm, không như mong đợi, phát triển theo chiều rộng hơn theo chiều sâu. Sự đóng góp các thành phần kinh tế chuyển biến chưa như mong đợi, ngành có giá trị gia tăng cao vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp. TP có thế mạnh dịch vụ nhưng chưa khai thác hết tiềm năng…” - ông Hùng nhấn mạnh.
Cuộc họp đã thực sự “nóng” lên khi các chuyên gia liên tiếp mổ xẻ những hạn chế của TP trong phát triển của kinh tế thời gian qua. Có ý kiến cho rằng nhiều cuộc họp tương tự đã tìm được nguyên nhân yếu kém và đưa ra những giải pháp khắc phục nhưng khi thực hiện lại tỏ ra lúng túng, hiệu quả đạt được không cao, vì thế cần phải có “cơ chế”. Ông Lê Mạnh Hà đặt vấn đề “cơ chế như thế nào phải cụ thể, không thể chung chung”.
Ông Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), cho rằng mô hình kinh tế của TPHCM không thể giống các địa phương khác, kể cả Hà Nội. Do đó việc tìm kiếm mô hình ở các địa phương khác để xem xét cho TPHCM là không khả thi.
Phải tìm cho được và chỉ đúng nguyên nhân ngăn cản sự phát triển kinh tế của TP. Bên cạnh đó tạo động lực, sự năng động cho DN, doanh nhân. Về vấn đề tái cấu trúc kinh tế, theo ông Tự Anh, cần cân nhắc lối tiếp cận cũ, tránh lặp lại những vấn đề đã nói, đã quy hoạch nhưng không hiệu quả.
Do đó cần rà soát lại tất cả nghiên cứu trước đây, từ cách tiếp cận, thực trạng năng lực cạnh tranh và giải pháp khắc khục; chi phí sản xuất ngày càng cao, đặc biệt là chi phí trung gian phải được kiểm soát như thế nào. Trong đó chi phí DN cao do lãi suất cao, không thể giải quyết trong phạm vi TP, mà phải có cả sự tham gia của các ban, ngành trung ương…
Tập trung sản phẩm, dịch vụ cao
Ông Trần Sinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho rằng là trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM cần tập trung sản xuất công nghệ cao, công nghệ phần mềm, hàng cao cấp, dịch vụ tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và đào tạo nguồn nhân lực. Muốn vậy, để phát huy tiềm năng lợi thế của mình TP phải chuyển hướng đúng và có chính sách đột phá.
Thí dụ với ngành dệt may cần sớm chuyển sang thiết kế mẫu mã, thời trang, chứ không chỉ làm gia công như hiện nay. Hay các ngành công nghiệp phải nâng tầm kỹ thuật cao, buộc nhà đầu tư phải có đủ năng lực, trình độ khoa học để chuyển giao công nghệ. Có ý kiến đề nghị chọn cụm ngành là lợi thế đi đầu của TP để tái cơ cấu. Theo đó chọn một ngành chủ chốt, tạo điều kiện phát triển rồi nhân rộng ra.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo cần đặt vấn đề phát triển kinh tế TP căn cơ hơn nhưng đừng tham vọng. Thậm chí trong giải quyết bài toán mang tính tổng thể, cần chấp nhận đi chậm mà mang tính đột phá, đi từng bước vững chắc, gia tốc tăng từ từ, tránh tình trạng tạo đột phá nhưng sau đó trở lại thực trạng cũ.
Phải nhận dạng lại TP đang phát triển như thế nào để có sự đánh giá, xem cái nào phù hợp, cái nào chưa phù hợp. Từ đó chọn cái có thể phát triển được trong kế hoạch chung để làm…
Phó Chủ tịch UBND Lê Mạnh Hà kết luận ghi nhận các ý kiến của chuyên gia và cho rằng TP cần có Đề án tái cấu trúc kinh tế. Đề án này tiếp tục sẽ đưa ra công việc cần làm cụ thể, nhưng trong quá trình triển khai sẽ có thay đổi để phù hợp với thực tiễn.