Mở rộng đón khách quốc tế đường bộ, đường biển

(ĐTTCO)-Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo sơ kết triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến VN, trong đó dự kiến mở rộng phạm vi đón khách sang đường biển và đường bộ.
Du khách nước ngoài ngồi xích lô tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngày 25.11.2021
Du khách nước ngoài ngồi xích lô tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngày 25.11.2021

Nhiều rào cản giới hạn nguồn khách

Theo báo cáo, Chính phủ đồng ý cho 5 địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11 gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP.Phú Quốc (Kiên Giang). Nhưng đến nay, mới có 3/5 địa phương tổ chức đón khách gồm Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa.

Tính đến ngày 6.12, VN đã đón tổng cộng 1.179 khách quốc tế đến du lịch theo chương trình thí điểm hộ chiếu vắc xin. Qua giai đoạn 1 của chương trình, Bộ VH-TT-DL ghi nhận theo các tour trọn gói, du khách quốc tế có phản ứng rất tích cực khi được khám phá những điểm đến nổi tiếng của nước ta. Du khách cũng thể hiện sự yên tâm với các biện pháp phòng chống dịch cũng như đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của VN.

“Điều này chứng minh sức hấp dẫn của du lịch VN. Đây cũng là một kênh lan tỏa, chứng minh điểm đến VN hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách”, lãnh đạo ngành du lịch nhận định.

Tuy nhiên, trong báo cáo do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt ký cũng nêu rõ một số vấn đề còn tồn tại. Đơn cử, về thủ tục thị thực đối với khách du lịch quốc tế, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp (DN) đón khách phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được xem xét.

Chính sách này gây khó khăn để thu hút du khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm trước đây đã quen được miễn thị thực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga do du khách sẽ ngần ngại về thủ tục khi quyết định lựa chọn điểm đến.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của một số địa phương và DN khai thác khách du lịch tàu biển, việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển rất có tiềm năng. Hiện đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển, các hãng tàu quốc tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án khai thác khách trong kỳ nghỉ đông cuối năm 2021.

Thế nhưng, chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đang được áp dụng thông qua các chuyến bay thuê bao, còn đối với việc đón khách thông qua đường bộ và đường biển thì chưa có hướng dẫn.

Là 1 trong 8 DN được xét duyệt hồ sơ phương án đón và phục vụ khách theo chương trình thí điểm, song phải đến cuối tháng 11, Vietravel mới đón được đoàn khách đầu tiên tới Khánh Hòa. Trong tháng 12, công ty tiếp tục tổ chức thêm được 3 chuyến charter, đón khoảng 150 khách.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel, thừa nhận không dễ dàng để có được nguồn khách lớn trong thời gian gấp gáp như vậy. Nguyên nhân, về mặt truyền thông, VN chưa chính thức công bố ở cấp quốc gia về việc chính thức mở cửa đón khách, không có chương trình quảng bá đúng tầm song hành. Việc tiếp cận nguồn khách chủ yếu do tự thân DN xoay xở nên độ lan tỏa, hiệu quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Về nguồn khách, các thị trường khách xa, đường bay dài như châu Âu, Mỹ thường phải lên trước kế hoạch khá xa, không thể nói mở là nối lại được ngay. Trong khi đó, thị trường du lịch lớn của VN giai đoạn trước dịch là các nước Đông Bắc Á, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì chính sách chống dịch của các quốc gia này còn nhiều biến động, tuy đã mở cửa cho khách đi du lịch nước ngoài, nhưng khi trở về còn yêu cầu cách ly.

Do đó, nhu cầu du lịch của nhóm này còn thấp. Lượng khách chính hiện nay vẫn là người VN định cư ở nước ngoài.

“Thực tế đây là nguồn khách lớn và có sẵn, có thể khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, đa phần những vị khách này sau thời gian đi tour 7 ngày thường có nhu cầu về thăm thân nhân tại các địa phương. Muốn vậy, phải chuyển đổi visa nhưng theo quy định, họ phải xuất trình rất nhiều giấy tờ chứng minh các mối quan hệ với thân nhân ở VN như giấy khai sinh cũ, hộ khẩu, giấy chứng minh là anh em, vợ chồng… khiến khách cảm thấy không thoải mái. Nhìn chung, nguồn khách trong giai đoạn này còn khá hạn chế”, ông Duy chia sẻ.

Bổ sung thêm các điểm đón khách quốc tế

Đề xuất Chính phủ cho phép triển khai sớm giai đoạn 2 của Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến VN từ ngày 15.12, Bộ VH-TT-DL dự kiến mở rộng phạm vi đón khách sang đường biển và đường bộ.

Đồng thời, bổ sung thêm TP.HCM và Bình Định là 2 địa phương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm đón khách quốc tế hoặc một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện.

Để mở rộng nguồn khách, lãnh đạo ngành du lịch kiến nghị Thủ tướng xem xét khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với du khách từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi VN đóng cửa vào tháng 3.2020; cho phép người VN học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu VN, người Việt có thẻ xanh của Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia chương trình thí điểm. Đồng thời, cho phép đón khách qua đường biển, đường bộ bên cạnh các chuyến bay quốc tế thường lệ.

Là một trong những DN lữ hành rất mạnh về khách tàu biển, Lữ hành Saigontourist vẫn đang hồi hộp chờ đợi “cái gật đầu” từ cơ quan quản lý để chốt đơn với các đối tác lớn. Với hàng ngàn du khách đẳng cấp cao, sẵn sàng chi trả tới 250.000 USD cho 1 chuyến du ngoạn vài tháng trên biển nên mỗi con tàu cập bến là cơ hội để các điểm đến tăng nguồn thu, vực dậy ngành du lịch sau đại dịch.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết từ năm ngoái đến năm nay, mặc dù du lịch VN gần như đóng băng, nhưng DN này vẫn duy trì triển khai booking với các hãng tàu biển lớn trên thế giới như Star Cruises, Royal Caribbean International. Tuy nhiên, do không có lịch mở cửa cụ thể nên các đơn đặt hàng dịch vụ tới tháng 6.2022 hiện đã hủy hết.

Bên cạnh việc mở rộng nguồn khách thông qua nhiều thị trường, nhiều loại hình phương tiện, ông Trần Đoàn Thế Duy lưu ý cần cởi bỏ rào cản cách ly. Theo đó, du khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì không cần yêu cầu cách ly khi nhập cảnh VN.

“Đơn cử như Thái Lan, khách vào chỉ cần ở khách sạn 1 đêm, sau đó xét nghiệm có kết quả âm tính là ngày hôm sau được du lịch tự do thoải mái. Nếu yêu cầu khách phải đi theo tour 7 ngày rồi mới có thêm những hoạt động khác hoặc phải cách ly thì khách vẫn sẽ khó chịu, và so với các quốc gia đã mở cửa, đây không phải lợi thế cạnh tranh”, Tổng giám đốc Vietravel nêu ý kiến.

“Những booking giai đoạn tới tháng 10, 11, 12.2022 hiện vẫn đang chờ. Nếu Chính phủ đồng ý mở cửa, các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể thì Lữ hành Saigontourist ngay lập tức có thể chốt đơn với đối tác để đón lượng khách quốc tế lớn này trong mùa đông năm 2022, 2023”.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist

Các tin khác