Quán cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf (tiếng Việt có nghĩa “Hạt cà phê và lá trà”) dưới tầng trệt của tòa nhà International Plaza cạnh trạm tàu điện Tanjong Pagar là nơi gặp gỡ đầu năm của tôi với Ph., cô bạn học cũ từ Hà Nội sang.
Tôi chẳng phải là dân ghiền hay sành điệu về cà phê nhưng nơi đây có chỗ ngồi sạch sẽ, tươm tất, lịch sự và đi lại thuận tiện, nhất là khi chúng tôi chỉ có hơn 1 tiếng trò chuyện trước khi cả 2 có cuộc hẹn khác.
Tôi cho Ph. biết thường ngày chỉ uống cà phê đen nóng không đường, nhưng hôm nay có dịp ngồi với bạn bè nên đề nghị Ph. thử cà phê xay hương vị Vanilla với ít kem tươi và bột chocolate trên bề mặt. ô bạn tôi gật đầu đồng ý, vài phút sau khi xếp hàng tự phục vụ, trước mặt chúng tôi là 2 ly cà phê để khởi đầu cho những chuyện trò đầu năm.
Cô bạn Ph. hỏi tôi cái thương hiệu The Coffee Bean & Tea Leaf của nước nào. Tôi mau mắn trả lời của Singapore nhưng sau khi xem lại thông tin từ internet, tôi phải đính chính với Ph. đây là ý tưởng kinh doanh của một doanh nhân Hoa Kỳ tên là Herbert B. Hyman.
Năm 1963, ông đã lập công ty với cái tên đơn giản và dễ nhớ “Hạt cà phê và lá trà” với niềm đam mê vươn đến mục tiêu hoàn hảo dành cho trà và cà phê, sau đó trở thành một trong những chuyên gia đầu tiên của dòng cà phê cao cấp tại California, Hoa Kỳ. Lịch sử thành lập hơn 50 năm và ra đời trước cả Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf là biểu tượng của việc kinh doanh cà phê và trà thành công với năng lực cung cấp hơn 22 loại cà phê thượng hạng và 20 loại trà hảo hạng đẳng cấp thế giới.
Nhờ quan hệ tốt với các trang trại và đồn điền tư nhân, The Coffee Bean & Tea Leaf luôn mua được những loại cà phê và trà chất lượng nhất. Hàng ngày, cà phê của The Coffee Bean & Tea Leaf được rang với số lượng nhỏ theo phương pháp thủ công của châu Âu, sau đó đóng gói bằng công nghệ tiên tiến nhất tại các nhà xưởng và vận chuyển ngay tới các cửa hàng trên toàn thế giới.
Người dân TPHCM xếp hàng vào uống cà phê Starbucks. |
Nhưng câu trả lời The Coffee Bean & Tea Leaf là “của” Singapore ngẫm ra cũng chẳng sai bởi chủ sở hữu 58 quán thương hiệu nhượng quyền “Hạt cà phê và lá trà” trên đảo quốc Sư tử đa số là người Singapore, tạo công ăn việc làm cho người lao động bản xứ, đóng thuế và các nghĩa vụ doanh nghiệp và là một phần của guồng máy kinh tế Singapore.
Tôi hỏi Ph. đã vào TPHCM uống cà phê Starbucks mới khai trương cách đây không lâu chưa, Ph. nói chưa. Tôi không muốn bàn luận về cái gọi là “cuộc chiến” cà phê giữa Trung Nguyên và Starbucks nhưng cũng chia sẻ quan điểm của mình với Ph. rằng cho dù đó là thương hiệu ngoại, nhưng nếu giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm trà hay cà phê, giúp người lao động có công ăn việc làm, tăng cường thu ngân sách, tạo ra những giá trị mới thì nó có vị trí đáng trân trọng trong đời sống văn hóa - xã hội của người dân Việt.
Để đánh dấu buổi gặp gỡ đầu năm nơi đất khách quê người với người bạn đến từ thủ đô Hà Nội, tôi nhờ cậu nhân viên quán The Coffee Bean & Tea Leaf chụp tấm ảnh kỷ niệm với yêu cầu phải lấy được phía sau có hình cà phê. Ph. tặng tôi một túi quà trong đó có bánh đậu xanh Hương Nguyên Rồng Vàng trong hộp giấy vàng óng ánh mà có lẽ chưa bao giờ tôi thấy hộp bánh đậu xanh nào đẹp như vậy. Trong túi quà còn có một gói cà phê hòa tan của Trung Nguyên với dòng chữ cổ động thật ấn tượng: “Mạnh chưa đủ, phải đúng gu”.
Về nhà, sau khi khoe “chiến lợi phẩm” với bà xã và con gái, tôi để hộp bánh đậu xanh và hộp cà phê trang trí bàn tiếp khách trong không khí ngày xuân. Tự pha cho mình một ly cà phê đen nóng không đường, tôi mở máy tính và vào Facebook để tán gẫu với bạn bè gần xa. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện đã đọc trước đây về củ cà rốt, quả trứng và hạt cà phê:
“Bạn đặt 3 nồi nước lên bếp lửa. Trong cái nồi thứ nhất, bạn bỏ vào vài củ cà rốt. Trong cái nồi thứ hai, bạn bỏ vào vài quả trứng. Trong cái nồi thứ ba, bạn bỏ vào vài hạt cà phê đã được xay thành bột cà phê. Bạn nấu cả 3 nồi trong vòng 15 phút và sau đó lấy ra những gì bạn đã bỏ vào. Bạn thấy gì? Mấy củ cà rốt lúc đầu cứng, bây giờ mềm. Mấy quả trứng lúc đầu mềm bên trong, bây giờ lại cứng bên trong. Nhưng nước có màu và mùi cà phê trở nên tuyệt vời.
Những hạt cà phê nghiền đã tạo nên sự khác biệt vì sau khi bị bỏ vào nước sôi, chúng đã làm biến đổi nước. Nước không làm cho bột cà phê thay đổi mà chính bột cà phê đã làm thay đổi nước. Nước đã trở nên khác nhờ bột cà phê…”.
Singapore, ngày 27-2-2013