Với Mobile money, chỉ cần có số điện thoại di động đã được xác thực thông tin người dùng, chủ thuê bao có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ (tiền điện, tiền nước, viện phí, học phí...) có liên kết với nhà mạng mà không cần có tài khoản ngân hàng.
Người dân sẽ được tiết kiệm cả thời gian, chi phí đi lại, nhất là đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khi thực hiện thanh toán tiền điện, nước hoặc có thể chuyển tiền có giá trị nhỏ ở mọi lúc mọi nơi.
Làm sao để đăng ký tài khoản?
Ngày 25-11, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) công bố chính thức cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile money. Tất cả thuê bao VinaPhone đều đã có thể đăng ký dịch vụ VNPT Mobile money.
Để trải nghiệm dịch vụ VNPT Mobile money, thuê bao VinaPhone có thể đăng ký theo một trong ba cách: lệnh USSD, tin nhắn SMS và ứng dụng VNPT Pay.
Với lệnh USSD, thuê bao VinaPhone thực hiện lệnh *9191# và nhấn phím 1 để đăng ký. Với tin nhắn SMS, thuê bao soạn tin DK gửi đến 9191. Với ứng dụng ví điện tử VNPT Pay, thuê bao tải và cài đặt ứng dụng VNPT Pay từ các kho ứng dụng trực tuyến rồi đăng ký tài khoản VNPT Pay và đăng nhập ứng dụng.
Người dùng đăng ký tài khoản Mobile money và thực hiện định danh, xác thực thông tin cá nhân bằng cách chụp ảnh chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu và khuôn mặt.
Sau khi hệ thống xác nhận sẽ thông báo người dùng đăng ký và kích hoạt thành công tài khoản dịch vụ Mobile money. Thuê bao VinaPhone có thể trải nghiệm các tiện ích nạp, rút tiền, thanh toán tiêu dùng nhỏ lẻ, thanh toán trực tuyến và chuyển tiền bằng tài khoản Mobile money.
Việc trải nghiệm trên ứng dụng VNPT Pay (smartphone) sẽ dễ dàng hơn vì có giao diện ứng dụng trực quan, dễ nhìn, dễ sử dụng. Cách sử dụng và thao tác các dịch vụ giao dịch tương tự như với các ví điện tử phổ dụng hiện nay.
Trong khi đó, cách sử dụng dịch vụ Mobile money bằng thao tác lệnh USSD mang tính "thủ công" vì chủ yếu dành cho điện thoại không cài ứng dụng VNPT Pay hoặc điện thoại phổ thông.
Theo đó, người dùng thực hiện lệnh *9191# để xem các lệnh thực hiện dịch vụ Mobile money như: chuyển tiền giữa các thuê bao Mobile money; nạp tiền điện thoại; thanh toán hóa đơn; truy vấn số dư; cài đặt...
Tùy theo nhu cầu, người dùng sẽ thao tác chọn số tương ứng để thực hiện lệnh.
Có thể nạp tiền từ tài khoản ngân hàng
Một trong những thắc mắc của người dùng là việc nạp, rút tiền thế nào, phải nạp từ điểm giao dịch của nhà mạng hay từ tài khoản ngân hàng? Có thể thanh toán bằng Mobile money ở đâu? Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dùng có thể nạp tiền vào tài khoản VNPT Mobile money từ nhiều tài khoản ngân hàng nội địa hoặc từ ví điện tử VNPT Pay.
VNPT Mobile money có thể thực hiện khá nhiều giao dịch trong hệ sinh thái dịch vụ của VNPT như dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, giải trí, giáo dục, y tế, dịch vụ công, các dịch vụ tài chính...
Nhà mạng này cũng cho biết đã liên kết được rất nhiều đối tác, tạo hệ sinh thái dịch vụ để khách hàng có thể thanh toán không tiền mặt cho các nhu cầu thường xuyên, giá trị nhỏ của mình chỉ với tài khoản Mobile money, thông qua mã QR tại các cửa hàng, các trang thương mại điện tử, các ứng dụng trên mạng...
Trong khi đó, dù chưa công bố cung cấp chính thức dịch vụ đến người dùng cuối, nhưng nhà mạng di động MobiFone - đã được cấp phép thí điểm Mobile money cho thuê bao của mình - cho biết sẽ cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc của MobiFone... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối Internet.
Đại diện MobiFone cũng cho biết trong giai đoạn đầu sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc, trước khi tiếp tục mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý.
Người dân thanh toán không tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngân hàng chuẩn bị gì để nhập cuộc đua này?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sacombank cho biết sẵn sàng phối hợp với các nhà mạng được cấp phép Mobile money để triển khai thí điểm một số dịch vụ như Top up vào ví Mobile money, rút từ Mobile money về tài khoản/thẻ của khách hàng.
Những khách hàng có ví điện tử Mobile money có thể thanh toán hóa đơn ngay trên điện thoại hoặc chuyển tiền qua các nhà mạng khác, thanh toán cho những hàng hóa có giá trị giao dịch nhỏ trong tương lai.
"Theo các kết quả nghiên cứu, dịch COVID-19 cũng tác động tích cực đến tần suất thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại cũng như số lượng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử và sự thay đổi trong loại hình ứng dụng giao dịch.
Sacombank hiện có mạng lưới chấp nhận thanh toán lớn có thể hỗ trợ tích cực và nhanh chóng cho việc phát triển hệ sinh thái thanh toán Mobile money của các công ty viễn thông ngay sau khi hợp tác", vị này cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho rằng Mobile money là thế mạnh của các nhà mạng trong việc phục vụ thanh toán các món nhỏ lẻ. Đây cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các công ty fintech ở thị trường ngách.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, các ngân hàng có lợi thế tuyệt đối trong việc phục vụ thanh toán các món lớn. Với thị trường thanh toán món nhỏ lẻ, khi có sự gia nhập của nhà mạng sẽ là cuộc cạnh tranh thú vị.
"Việc chào sân của dịch vụ Mobile money sẽ tạo ra lực đẩy và các ngân hàng sẽ phải thay đổi nhanh hơn. Các ngân hàng sẽ có lợi ở sự hợp tác vì tài khoản chính của khách hàng vẫn phải ở ngân hàng.
Ở nước ngoài đã có những công ty liên kết với ngân hàng để ngân hàng cho vay và công ty sẽ cung cấp dịch vụ thanh toán. Trước đây, nếu chỉ có ngân hàng sẽ rất khó khai thác tập khách hàng vừa và nhỏ. Giờ có thêm các nhà mạng tập khách hàng sẽ được khai thác một cách hiệu quả hơn", ông Tùng nói.
Các nhà mạng có nhiều lợi thế Theo ông Phạm Tiến Dũng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để triển khai dịch vụ Mobile money, các nhà mạng được cấp phép phải hỗ trợ, tư vấn để người dùng kích hoạt và sử dụng tài khoản Mobile money trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, phải hình thành mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán, trong đó có dịch vụ Mobile money nhằm giúp người tiêu dùng có thể thanh toán bằng dịch vụ Mobile money mọi lúc, mọi nơi. Để người dân kích hoạt và sử dụng Mobile money khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ thì nhà mạng phải kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hóa, với các sàn thương mại điện tử, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi... như các ngân hàng đang làm. Theo ý kiến của các chuyên gia về công nghệ thanh toán, Mobile money sẽ cạnh tranh gay gắt với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng, ví điện tử của đơn vị trung gian thanh toán. Do không cần có tài khoản thanh toán ở ngân hàng, người dùng vẫn mở được tài khoản Mobile money nên con số vài chục triệu thuê bao di động trên cả nước được xem là tài nguyên quý giá để các nhà mạng khai thác, phát triển Mobile money. Góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt Theo ông Nguyễn Thành Minh, phó tổng giám đốc ví PayMe, Mobile money sẽ được hưởng lợi vì các ví điện tử đã đổ tiền rất nhiều để triển khai thanh toán không tiền mặt nhiều năm qua, giúp người dân ít nhiều sẽ tiếp cận với các dịch vụ mà Mobile money cung cấp dễ dàng hơn. "Về phân khúc khách hàng, tôi nghĩ Mobile money sẽ tập trung vào các phân khúc khách hàng riêng của mình do hạn mức giao dịch của một tài khoản Mobile money tối đa chỉ 10 triệu đồng/tháng", ông Minh nói, đồng thời cho rằng Mobile money và các ví điện tử sẽ cùng nhau chung tay đưa việc thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen thanh toán của người dân, chỉ là hướng đi của Mobile money và các ví khác nhau. Với lợi thế điểm giao dịch rộng trên toàn quốc, VNPT sẽ dễ dàng tiếp cận tới ngay cả những địa bàn vùng sâu vùng xa, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn. Còn ví điện tử sẽ tận dụng công nghệ để phát triển, sẽ "ví điện tử hóa" mọi ứng dụng của các doanh nghiệp lớn để người dùng trên các ứng dụng này có thể sử dụng tính năng ví điện tử để nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền và thanh toán không tiền mặt ngay trên các ứng dụng mà họ sử dụng hằng ngày. |