Từ lúc ngồi ghế nhà trường, đồng chí được biết đến là một học sinh chăm học và học giỏi. Học hết phổ thông, đồng chí thi vào Đại học Tổng hợp, học chuyên ngành Ngữ văn, làm Bí thư Đoàn và được vào Đảng khi còn là sinh viên. Sau khi ra trường, công việc đồng chí gắn bó với Tạp chí Cộng sản suốt gần 30 năm, trong đó có thời gian học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô.
Từ cán bộ, biên tập viên cho đến Tổng Biên tập tạp chí của Đảng, đồng chí đã lăn lộn thực tiễn, có nhiều bài viết sâu sắc về xây dựng Đảng, về thời cuộc; có những lý giải vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã lúc bấy giờ. Nhiều bài viết được chọn in lại trong những cuốn sách quý vừa được xuất bản gần đây cho thấy tầm nhìn và nhãn quan sâu rộng của đồng chí được hình thành và phát triển qua thời gian.
Đồng chí gắn bó với thủ đô, với công tác Đảng, công tác tư tưởng, nghiên cứu lý luận, với việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật. Có thời gian, đồng chí làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy TP Hà Nội. Đồng chí tham gia 5 khóa Quốc hội, 7 khóa Trung ương, 6 khóa trong Bộ Chính trị và làm Tổng Bí thư của Đảng từ khóa XI, XII, XIII.
Giữa biết bao những biến động của thời cuộc, những cám dỗ của danh lợi, địa vị, chức quyền, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, đồng chí vẫn giữ cho mình nguyên tắc sống vì lý tưởng cao đẹp, vẫn giữ sự giản dị, liêm khiết, trách nhiệm nêu gương…
Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, đồng chí đã có nhiều cống hiến cho nước, cho dân và khi ra đi để lại những dấu ấn tốt đẹp của một người hiền, một nhà lãnh đạo sắc sảo, có tầm, có tâm, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều công trình nghiên cứu lý luận, với những đúc kết từ thực tiễn như: một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, về cải cách kinh tế; phát triển văn hóa, con người; về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng; về chính sách đối ngoại; về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, lớp trẻ, người Việt Nam ở nước ngoài…
Đồng chí đã để lại nhiều bài học trong chỉ đạo, điều hành công việc của Quốc hội, về tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Với 7 bài học kinh nghiệm được rút ra của Quốc hội Khóa XI như vẫn còn nguyên giá trị.
Cùng với đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều bài học trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành công việc của Đảng, trong công tác xây dựng Đảng và có bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Rất nguyên tắc, quyết liệt và nhân văn… đó là những điều mà đồng chí luôn coi trọng trong hành xử các vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến con người, đến công tác cán bộ… Thực tế đòi hỏi Đảng ta làm công tác cán bộ tốt hơn, nhất là học cách dùng người như cách của Bác Hồ.
Với TPHCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sự quan tâm đặc biệt trong làm việc, trong việc ban hành các nghị quyết, chính sách pháp luật và những cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho đầu tàu kinh tế phát triển. Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư không chỉ có lời kêu gọi mà còn chỉ đạo thành phố bằng mọi cách làm hiệu quả để cứu lấy sinh mệnh đồng bào.
Để đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín trên quốc tế như ngày nay” đó là công chung của toàn dân tộc, của toàn Đảng, của sự đoàn kết chung sức, chung lòng của bao thế hệ, của biết bao sự hy sinh, cống hiến của hàng triệu con người Việt Nam yêu nước, của sự kết hợp sức mạnh của dân tộc và thời đại. Trong đó, có sự đóng góp bằng cả một cuộc đời tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin vào lý tưởng cao đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội, đồng chí bày tỏ với các đại biểu rằng không biết công việc có vuông tròn hay không. Cũng có lúc, đồng chí nói rằng những gì đồng chí làm là nhỏ bé... Khó có thể vẹn toàn tất cả mọi điều đối với chức trách nặng nề được giao nhưng đồng chí được đánh giá cao vì đã nỗ lực phấn đấu, tận hiến cả đời cho sự nghiệp chung.
Đồng chí đã nhận nhiều phần thưởng, nhiều huân chương cao quý của Đảng, Nhà nước…, nhưng phần thưởng lớn nhất có lẽ là của nhân dân, là sự tin tưởng vào phẩm giá con người, một nhân cách đẹp của một Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí ra đi nhưng có nhiều trăn trở với việc nước, việc dân. Tin rằng, Đảng ta- một đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, với hơn 5 triệu đảng viên sẽ đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh để đủ sức lãnh đạo nhân dân. Hơn 100 triệu người Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết cùng nhau hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước trở thành một đất nước phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.