Một đề xuất làm 'méo mó' thị trường

(ĐTTCO) - TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng kiến nghị của VAFI về việc Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh thanh toán trái phiếu là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Một đề xuất làm 'méo mó' thị trường

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông có thể phân tích những điểm chưa phù hợp với quy định của pháp luật?

TS. CẤN VĂN LỰC: - Tôi cho rằng những ý kiến đề xuất của VAFI phải hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, bởi có những lý do buộc phải xem xét.

Thứ nhất, phải khẳng định về bản chất TP doanh nghiệp (TPDN) không phải là tiền gửi NH. TPDN được DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Theo đó, nhà đầu tư mua TPDN cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua TP, trường hợp DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi.

Thứ hai, khi đề xuất cái gì, nguyên tắc đầu tiên là nội dung đề xuất đó phải tuân thủ và phù hợp với các quy định của pháp luật. Như Luật Quản lý nợ công năm 2017 đã có những quy định rõ ràng, Nhà nước không bảo lãnh nợ của DN, kể cả nợ của các bộ, ngành, địa phương, trừ những khoản nợ đi vay nước ngoài và gắn với chương trình trọng điểm của quốc gia.

Cụ thể, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, các NH chính sách được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, như được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có chức năng huy động vốn để cho vay theo điều lệ được cấp có thẩm quyền ban hành; khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hàng năm đã được Chính phủ phê duyệt, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện, chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp DN phát hành TP được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường vốn trong nước, ngoài các điều kiện quy định của Luật Quản lý nợ công, DN phải có hồ sơ phát hành TP theo quy định của pháp luật về chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về đề xuất của VAFI cần tạo lập khung khổ pháp lý gần như tuyệt đối an toàn cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TP, khó có thể hiện thực hóa. Bởi trong đầu tư càng lợi nhuận cao rủi ro càng cao. Các nhà đầu tư hiểu rõ điều này. Việc của cơ quan quản lý là làm thị trường TP vận hành công khai, minh bạch, giúp nhà đầu tư có đầy đủ thông tin và lựa chọn sản phẩm đầu tư, không phải can thiệp quá sâu để làm “méo mó” thị trường.

Về đề xuất bảo lãnh thanh toán TP do các NHTM phát hành, tôi cho rằng cũng không cần thiết.

Thứ nhất, TP của các NHTM về cơ bản được đánh giá tương đối an toàn, bởi vì phát hành TP đều gắn với những kế hoạch và mục đích cụ thể, chủ yếu là tăng để đảm bảo hệ số an toàn (CAR) theo quy định của NHNN.

Thứ hai, các tổ chức phát hành cơ bản đảm bảo công khai, minh bạch trong phát hành, nên những năm vừa qua mức độ an toàn của các NHTM đều tăng, cao hơn so với các tổ chức phát hành khác.

- Vậy làm gì để thị trường TP vừa vận hành công khai và minh bạch, vừa hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, thưa ông?

- Để phát triển thị trường TPDN lành mạnh, cần đồng bộ nhiều giải pháp khác tốt hơn, thực chất hơn và vẫn đảm bảo với quy định luật pháp. Thí dụ, Nghị định 65 được sửa đổi bởi Nghị định 08 đã giãn hoãn, cơi nới một số điều kiện đối với các tổ chức phát hành TP. Đây là cần thiết, phải làm ngay khi ấy.

Nhưng tại thời điểm này phải tính đến chiến lược xa hơn, đó là khi Nghị định 08 hết hiệu lực vào cuối năm nay, chúng ta phải bắt đầu thực hiện Nghị định 65 trong giai đoạn mới, như là sự nâng cấp về chất của thị trường TP.

Những việc cần làm ngay lúc này là cấp phép thêm các công ty xếp hạng tín nhiệm để họ có thể vận hành. Bên cạnh đó cởi mở hơn đối với kênh phát hành TP ra công chúng.

Đồng thời, cần củng cố nền tảng các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức thay vì các nhà đầu tư cá nhân. Hiện nay thị trường TP Việt Nam đang quá nhiều nhà đầu tư cá nhân. Ở các nước phát triển, thị trường TP của họ theo mô hình 80-20, tức 80% nhà đầu tư là các tổ chức, chỉ 20% là nhà đầu tư cá nhân.

Trong khi đó, chúng ta thực hiện ngược với mô hình thế giới, khi nhà đầu tư cá nhân đang chiếm đa số trên thị trường, chỉ có gần 20% nhà đầu tư tổ chức. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro, là tâm lý FOMO đám đông sẽ luôn thường trực, làm méo mó thị trường.

- Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đã được đưa vào vận hành, được kỳ vọng giúp cải thiện minh bạch thông tin thị trường. Tuy nhiên, đến nay sàn giao dịch vẫn thưa vắng. Vậy cần làm gì để hấp dẫn tổ chức phát hành lẫn nhà đầu tư tìm đến hệ thống này, thưa ông?

- Tôi không bất ngờ về điều này. Quan điểm của tôi là chợ mới mở đương nhiên cần thời gian để nhà đầu tư làm quen. Tính đến nay chúng ta mới mở được chưa đầy 2 tuần, thời gian tới khi hệ thống vận hành suôn sẻ, nhà đầu tư nhận thấy được nhiều lợi ích chắc chắn họ sẽ tham gia.

Nếu nhìn xa hơn, tôi cho rằng thời gian gần đây Bộ Tài chính và UBCKNN đã rất tích cực trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán. Đơn cử, như sàn giao dịch tập trung đối với TPDN riêng lẻ được xem là yếu tố giúp hỗ trợ thị trường TP trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cấp, đổi mới, ra mắt thêm những sản phẩm mới trên thị trường TPDN, để tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là tổ chức trong và ngoài nước.

Hiện nay, UBCKNN đang xem xét để làm thế nào có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng giải pháp gì cuối cùng vẫn phải nhằm đạt được mục đích sao cho thị trường công khai, minh bạch hơn trên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng.

Đây mới là điều thị trường mới nổi như Việt Nam cần phải hướng đến.

- Xin cảm ơn ông.

Thời gian qua chúng ta đã giảm bảo lãnh của Chính phủ đối với các bộ ngành, địa phương vay nợ trong nước. Đây là điều tích cực, góp phần làm giảm nợ công, đưa nợ công vào tầm kiểm soát. Vì thế, không có lý do gì lại tăng thêm bảo lãnh của Chính phủ để các khoản nợ thêm phình to.

Các tin khác