Đó là một trong những nội dung và thông điệp chính được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào hôm 12-7.
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.
Dù luôn được đốc thúc, song những năm qua, tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp lại các DNNN làm ăn yếu kém diễn ra vẫn chậm. Ảnh minh họa.
Các DNNN vừa phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa khắc phục, xử lý các công việc, nhiệm vụ tồn đọng, vừa giải quyết các vấn đề đột xuất phát sinh.
Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của các DNNN là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường đi đôi với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục cơ cấu lại DNNN, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của DNNN về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Các DNNN phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài.
Trước đó, trong giai đoạn 2016-2020, đã hoàn thành cổ phần hóa 39 DNNN, xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Sau khi thoái vốn đã nộp về cho ngân sách nhà nước 221.700 tỷ đồng.