Mục tiêu tăng trưởng 6,5% liệu có đạt?

(ĐTTCO)- Trong bối cảnh ảnh hưởng làn sóng lần thứ 4 của dịch Covid-19, 6 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn đạt 5,64%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, song là mức khá cao so với các nước trên thế giới.
Tăng trưởng 6,5% trong năm nay, liệu chúng ta có đạt được trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Tăng trưởng 6,5% trong năm nay, liệu chúng ta có đạt được trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, liệu chúng ta có đạt được trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp?

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, với mức tăng trưởng đạt 5,64% trong 6 tháng qua cho thấy chúng ta đã duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá cao trong bối cảnh hết sức khó khăn của khu vực. Mức độ tăng trưởng của nền kinh tế càng được khẳng định thêm qua các chỉ số như: kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng qua đạt hơn 316 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước ước đạt 775.000 tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm ngoái.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020… Những con số này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có sự chống chịu cao hơn so với năm trước, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp hơn.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình đánh giá: “Cách thức điều hành của Nhà nước, Chính phủ cũng như là sự thích ứng của doanh nghiệp của người dân trong thời gian vừa qua đã được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt là công tác điều hành của Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu kép, không bỏ lỡ những cơ hội để tăng trưởng kinh tế. Như vậy, chúng ta đã kiên trì mục tiêu này, chúng ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế và trong chừng mực nào đó thì dịch bệnh vẫn đang trong khả năng, hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể kiểm soát được”.

Mặc dù vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho cả năm như Chính phủ đã quyết tâm dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn có thể đạt được nếu một số nút thắt về thể chế nhanh chóng được tháo gỡ, cùng với đó nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) đây là động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, đặc biệt phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, thủ tục hành chính.

“Nhà nước, Chính phủ đang có những biện pháp tích cực linh hoạt, bên cạnh đó, để thực hiện được chỉ tiêu trong năm nay đạt mức tăng trưởng 6,5%, có 2 vấn đề được đặt ra, đó là sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành Trung ương của các địa phương để các chỉ thị, nghị quyết các biện pháp của Chính phủ phải được đồng bộ quyết liệt và chúng ta phải có sự đồng tâm hiệp lực trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Cùng với đó, cải cách hành chính để rút ngắn thời gian, rút ngắn thủ tục rườm rà, tạo mọi điều kiện để cho doanh nghiệp có được thụ hưởng và phát triển” - ông Nguyễn Quốc Hải nói.

Tuy vậy, vẫn còn những ý kiến băn khoăn của các chuyên gia kinh tế, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, tấn công vào nhiều khu công nghiệp trọng điểm của đất nước…

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đây là những yếu tố khiến cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% sẽ khó đạt và cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ rằng là cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống vào khoảng 5,5 cho đến 5,8% đấy là mức độ tăng trưởng phù hợp. Cùng với đó cần ưu tiên hàng đầu hiện nay là chúng ta phải kiểm soát dịch và kiểm soát được các tổn thất mà dịch này có thể gây ra đối với nhân mạng con người, cũng như là đối với nền kinh tế” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%, là một thách thức rất lớn và phụ thuộc nhiều vào chiến lược tiêm vaccine thần tốc, cũng như gói hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc trong các khâu thủ tục hành chính, phục vụ sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch từ các bộ, ngành các địa phương.

Các tin khác