Tài sản nhân lên từng ngày
Ambani đã vượt qua Larry Ellison - Giám đốc điều hành Tập đoàn Oracle, và bà Francoise Bettencourt Meyers - người phụ nữ giàu nhất thế giới, để trở thành người giàu thứ 9 thế giới. Ambani hiện sở hữu 42% cổ phần Tập đoàn Reliance, đã kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ đầu tư vào Jio Platforms - công ty dịch vụ kỹ thuật số Ấn Độ và là công ty con của Reliance. Ông đã giúp Jio Platforms hết nợ trước thời hạn tháng 3-2021. Sau mức thấp hồi tháng 3 do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cổ phiếu của Reliance đã tăng gấp đôi.
“Trong khi nền kinh tế Ấn Độ gần như đã bị hủy hoại trong thời gian phong tỏa để kiểm soát sự lây lan của Covid-19, các công ty Ambani, đặc biệt gã khổng lồ viễn thông Jio, vẫn phát triển rất nhanh chóng và tài sản cá nhân của ông Ambani đã tăng lên đáng kể” - bà Jayati Ghosh, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Lập kế hoạch kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho biết.
Ambani sống trong biệt thự 27 tầng, có tên Antilia, ở Mumbai. Antilia có 3 sân bay trực thăng trên tầng thượng, bãi đỗ xe hơi 168 chiếc, rạp chiếu phim 50 chỗ, phòng khiêu vũ lớn với đèn chùm pha lê, 3 tầng vườn treo lấy cảm hứng từ Babylon, tầng phòng tập yoga, trung tâm thể dục và spa chăm sóc sức khỏe. Ambani sở hữu chiếc Boeing Business Jet trị giá 73 triệu USD, là một khách sạn và phòng họp trên trời. Ambani còn có chiếc Airbus 319 được thiết kế có văn phòng và chiếc máy bay phản lực Falcon 900EX. Mặc dù giá dầu giảm gây khó khăn cho việc bán cổ phần mảng kinh doanh hóa chất và dầu mỏ của Reliance, chỉ trong 2 tháng đầu năm, Jio đã thu hút được 15 tỷ USD, nhiều hơn một nửa tổng đầu tư vào các công ty viễn thông trên toàn thế giới trong thời gian này.
Hồi tháng 7-2018, truyền thông thế giới loan tin, tỷ phú Mukesh Ambani đã vượt qua người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba Jack Ma, trở thành người giàu nhất châu Á sau khi ông đưa đế chế Reliance Industries Ltd vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Ấn Độ. Kể từ đó đến nay, bất chấp suy thoái, đại dịch Covid-19, tài sản của Mukesh Ambani không ngừng tăng và ông đã lọt top 10 người giàu nhất thế giới trong bối cảnh nhiều tỷ phú tụt hạng.
Cuộc chiến phân chia tài sản
Cuộc chiến phân chia tài sản
Ambani bắt đầu công việc kinh doanh của gia đình vào đầu những năm 1980, khi đang theo học tại Trường Kinh doanh Stanford. Cha ông, ông Dhirubhai Ambani, gọi ông trở về Ấn Độ để giám sát việc xây dựng nhà máy polyester. Gia đình Ambani bắt đầu mua lại các nhà cung cấp dầu cũng như các nhà máy hóa dầu và lọc dầu, biến công ty thành đế chế vải, dệt may và năng lượng. Dhirubhai chết vì đột quỵ vào năm 2002 không để lại di chúc, gây ra mối thù giữa Mukesh Ambani và em trai Anil Ambani.
Cuộc chiến này chỉ kết thúc vào năm 2005 khi bà mẹ Kokilaben Ambani quyết định đứng ra can thiệp. 2 anh em chấp nhận chia đôi tài sản công ty, Mukesh có các doanh nghiệp lọc hóa dầu, khai khoáng, còn Anil sở hữu dịch vụ tài chính, sản xuất điện và viễn thông. Kể từ đây, sự nghiệp kinh doanh của 2 anh em trái ngược nhau, “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu”. Reliance Communications Limited của Anil Ambani gặp khó khăn, đã nộp đơn xin phá sản, trong khi Reliance của Mukesh Ambani vượt qua Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước, trở thành công ty có doanh thu lớn nhất Ấn Độ.
Anil đã kiện anh trai mình ra Tòa án Tối cao Ấn Độ vì tội phỉ báng, khi ông Mukesh chỉ trích em trai trên tờ New York Times năm 2008 và năm 2010. Cũng trong năm 2010, khi giá dầu thô trên thế giới tăng mạnh khiến mảng lợi nhuận từ lọc dầu Mukesh Ambani đang nắm giữ sụt giảm nghiêm trọng, ông đã quyết định chuyển kinh doanh sang mảng viễn thông, mảng người em Anil Ambani của ông đang nắm giữ. Một lần nữa, 2 anh em nhà Ambani trở thành đối thủ trên thương trường, khiến mối bất hòa ngày càng trở nên sâu sắc.
Người mẹ Kokilaben lại phải đứng ra giải quyết căng thẳng, đưa ra những điều khoản không cạnh tranh giữa 2 người con, mối quan hệ giữa 2 anh em mới tạm ổn. Căng thẳng được hóa giải sau khi Mukesh giải quyết được những cáo buộc hình sự cho Anil và trả nợ thay cho em trai số tiền 80 triệu USD vào năm 2019.
Một báo cáo vào tháng 6 của Sanford C. Bernstein, dự đoán Công ty Jio Platforms có khả năng chiếm 48% thị phần thuê bao di động của Ấn Độ vào năm 2025, và Mukesh sẽ tiếp tục vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng các tỷ phú giàu nhất thế giới. Công ty này mới đây đã được các nhà đầu tư hàng đầu của Thung lũng Silicon như Facebook, Silver Lake và TPG đầu tư 15 tỷ USD. Ngoài ra, Jio Platforms cũng nhận được 1,2 tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia của Abu Dhabi và 1,5 tỷ USD từ quỹ đầu tư quốc gia của Arabi Saudi. Thỏa thuận với Arabia Saudi định giá Jio Platforms gần 68 tỷ USD.
Giới truyền thông cho rằng, việc người đàn ông 63 tuổi này giàu thêm nhanh chóng trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang phải trải qua đợt suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, là lời nhắc nhở về sự phân chia kinh tế sâu sắc của quốc gia này. 10% dân số giàu nhất Ấn Độ hiện đang nắm giữ hơn 3/4 tổng tài sản quốc gia.