Muốn đột phá, chính sách kích cầu phải thật sự hiệu quả

(ĐTTCO) - Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 mức 6-6,5% là mục tiêu mà các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đầy thách thức.

Muốn đột phá, chính sách kích cầu phải thật sự hiệu quả

Vậy nhưng, tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh trong tháng đầu năm 2024, đã làm dấy lên nhiều lo ngại về tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp trong nước nói riêng và triển vọng phục hồi nền kinh tế nói chung.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố mới đây cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1-2024 tăng mạnh đột biến so với cùng kỳ năm 2023 (gần 54.000 doanh nghiệp, tăng hơn 22,8% so với cùng kỳ năm trước).

Con số này cho thấy tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp chưa phát huy tác dụng. Nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”, còn “phần chìm của tảng băng” có thể còn lớn hơn nhiều, bởi còn rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng với khó khăn chồng chất do chưa được tháo gỡ vướng mắc.

Thực ra những khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt không nằm ngoài khó khăn chung của bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, thậm chí có những cảnh báo về dấu hiệu suy thoái.

Điều này đã tác động bất thuận cho thị trường xuất khẩu cũng như chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam bị gián đoạn, và các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường không phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay lại đến từ chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp dường như vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Như nhận xét của TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, có thể kể đến như việc Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% Thuế VAT. Theo tính toán, quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành năm 2023 lên đến 200.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất, với mức giảm 0,5-2%/năm, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Song như vậy vẫn chưa đủ.

Vấn đề đặt ra cho năm 2024 để đạt được mục tiêu trên, cần xây dựng các nhóm giải pháp trọng tâm, tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư, nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

Có thể thấy con số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1-2024 vừa qua, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng), những doanh nghiệp này gặp khó khăn lớn nhất về thị trường (thiếu đầu ra cho sản phẩm).

Nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước làm nhà cung cấp cho các chuỗi sản xuất dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, và khi chuỗi này suy giảm xuất khẩu lớn trong năm 2023 buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt đơn hàng. Trong bối cảnh đó việc tìm kiếm thị trường mới cho các doanh nghiệp này cần xem là nhiệm vụ hàng đầu.

Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết khó khăn này các doanh nghiệp trong nước nên quan tâm nhiều hơn đến “khoảng trống” ở các “thị trường ngách” nằm ngoài “tầm phủ sóng” của các doanh nghiệp lớn.

Thị trường ASEAN với hơn 680 triệu dân hay thị trường trong nước với khoảng 100 triệu dân, có thể là “phao cứu sinh” về đầu ra hiện nay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi các thị trường khác đang khủng hoảng.

Nhưng muốn vậy, cần phải có những chính sách quyết liệt hơn từ Chính phủ, mà trước hết là những biện pháp kích cầu nền kinh tế phải thật sự hiệu quả.

Các tin khác