Tương lai là xanh
Mở đầu những chia sẻ của mình, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM, dẫn một câu nói nổi tiếng tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới năm 2023: “Tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai”.
Ông Quân dẫn chứng một báo cáo của Nielsen cho thấy, thị trường toàn cầu cho các sản phẩm “xanh” đang tăng trưởng nhanh hơn, và mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các sản phẩm “nâu” cùng loại. Trước những chuyển động này của thế giới, các DN Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước các rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế, nhưng cũng đồng thời buộc phải theo mới cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh.
Hiện trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041…
Nhiều lợi ích khi xanh hóa và tương lai DN sẽ phải đi trên con đường này. Thế nhưng con đường xanh hóa lại không hề đơn giản, nếu không muốn nói là nhiều gập ghềnh với không ít DN.
Dưới góc nhìn của một DN đã xuất khẩu sản phẩm đến nhiều quốc gia trên thế giới, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc CTCP Secoin chia sẻ, khi ra thế giới người ta quan tâm đến sản phẩm Việt chứ không quan tâm đến từng thương hiệu, vì vậy cần tạo dựng một cộng đồng DN xanh, góp phần lan tỏa thương hiệu Việt.
“Có thể dẫn chứng trường hợp cộng đồng ngành dệt may Bangladesh đã nhanh chân trong chuỗi xanh hóa khiến ngành dệt may của chúng ta bị mất cơ hội” - bà Hương bày tỏ.
Thực tế nếu như trước đây theo đuổi tính xanh là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh hóa nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế. Khi DN có sản phẩm xanh, có thể dễ dàng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là tấm “hộ chiếu xanh” quyền lực toàn cầu cho DN.
Đồng tình với điều này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), đặt vấn đề phải chăng cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt để đi xa hơn. Nhân tố mới đó theo ông chính là yếu tố “xanh”. “Chúng ta cần một rừng xanh - cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực, chứ không phải chỉ một vài DN”- ông Hòa nói.
Nhiều DN cùng chung góc nhìn rằng, khi thực hiện xanh hóa sẽ mang lại nhiều cơ hội như tiếp cận thị trường quốc tế, cải thiện hình ảnh DN, tăng cường hiệu quả sản xuất và nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Cụ thể, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh giúp DN Việt Nam tiếp cận được các thị trường phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản, nơi có nhu cầu cao về sản phẩm thân thiện môi trường.
Áp dụng thương mại xanh giúp nâng cao hình ảnh DN, tạo niềm tin với khách hàng và đối tác. Điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng doanh số và mở rộng thị trường.
Nhiều thách thức
Chia sẻ câu chuyện trên hành trình xanh hóa của DN mình, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketting CTCP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết ngoài những nỗ lực đưa nhiều thành phần thiên nhiên hơn vào trong sản phẩm, cũng như chuyển đổi từng bước bao bì sang các sản phẩm thân thiện môi trường, SCC cũng đang thực hiện nhiều bước quan trọng khác như sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đầu tư các thiết bị và công nghệ mới giúp tăng năng suất, giảm điện năng tiêu thụ 40%, giảm lượng nước sạch tiêu thụ 50%, giảm lượng thải và chất thải phải xử lý 50%. Nhà máy duy trì diện tích trồng cây xanh 3.300m2 (chiếm 20% diện tích).
Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra những thách thức các DN nói chung phải đối mặt trong bối cảnh thương mại xanh. Theo đó, chuyển đổi sang quy trình sản xuất xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực. Đối với nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, chi phí này có thể vượt quá khả năng tài chính hiện tại.
Nhiều DN chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm về các quy trình sản xuất xanh. Sự thiếu hụt này gây khó khăn trong việc triển khai và duy trì các biện pháp thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam chưa có ý thức cao về việc sử dụng sản phẩm xanh, dẫn đến nhu cầu thị trường nội địa cho các sản phẩm này còn hạn chế…
Ông Dũng cũng cho biết thêm, khi thực hiện xanh hóa thì giá thành sản phẩm sẽ cao hơn trước, có thể từ 30-35%. Khách hàng cao cấp ít quan tâm đến giá, nhưng phần lớn người tiêu dùng, giá rất quan trọng, nên khi tăng giá gây cản trở quyết định mua hàng của họ.
Do vậy vấn đề của DN là làm sao giá thành sản phẩm phải phù hợp với túi tiền của phần đông người tiêu dùng là một thách thức không nhỏ. Để có thể đi trên hành trình này, DN cần thêm các chính sách trợ lực của Nhà nước.
Dưới góc nhìn của một nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM cho biết, tỷ lệ các DN chuyển đổi xanh trong hành trình sản xuất của mình đang ngày càng gia tăng. Song khi nói về việc đón nhận của người tiêu dùng ông Đức dẫn chứng một số liệu khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 3% người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm hữu cơ, do họ đang có thu nhập không phù hợp giá bán sản phẩm hữu cơ.
Với riêng bài toán vốn đầu tư cho chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ, TPHCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TPHCM. Trong đó, việc thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ được hỗ trợ lãi suất 100%.
Song, ông Hòa kiến nghị UBND TPHCM sớm ban hành quyết định triển khai nghị quyết này để tạo điều kiện nguồn vốn cho DN. Bởi DN cũng mong muốn phát hành trái phiếu xanh, nhưng trong bối cảnh trái phiếu thời gian qua, để người dân tin tưởng mua trái phiếu xanh cũng cần có sự dẫn dắt, vốn mồi từ các định chế tài chính của Nhà nước.
Tức là tạo nhiều kênh để tạo nguồn lực tài chính cho DN thực hiện chuyển đổi xanh, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có thể huy động được nguồn lực cho chuyển đổi xanh.