Trong bối cảnh còn hơn 3 tuần nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (3/11), chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đề xuất gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD nhằm tìm cách thuyết phục các nghị sỹ đảng Dân chủ nhất trí về gói cứu trợ mới, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Mỹ.
Ngày 9/10, người phát ngôn Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết Chính phủ Mỹ sẵn sàng tiếp tục tăng gói cứu trợ, nhưng muốn giữ ở mức dưới 2.000 tỷ USD. Đề xuất mới này cao hơn so với đề xuất 1.600 tỷ USD mà đảng Cộng hòa đưa ra trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức đề xuất 2.000 tỷ USD của đảng Dân chủ.
Đề xuất gói cứu trợ mới này cho thấy một sự thay đổi của Tổng thống Trump khi trước đó, ông đã hủy các cuộc đàm phán với phe Dân chủ về gói cứu trợ với lý do không cung cấp thêm khoản cứu trợ mới nào cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và người lao động thất nghiệp cho đến sau cuộc bầu cử.
Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitch McConnell cho rằng quốc hội khó có thể thống nhất về một gói cứu trợ mới trước ngày bầu cử do còn nhiều bất đồng về mức chi tiêu ngân sách.
Trong một cuộc họp báo, Thượng nghị sỹ McConnell nêu rõ: "Chúng tôi cần thêm một gói cứu trợ nữa. Tuy nhiên, ngày bầu cử đã cận kề, trong khi đó những bất đồng quan điểm về những điều khoản cần thiết tại thời điểm đặc thù này là khá lớn". Theo ông, hai bên khó có thể tìm được tiếng nói chung trong vòng 3 tuần tới.
Các chuyên gia kinh tế nhận định gói cứu trợ nhất này của Chính phủ Mỹ có ý nghĩa quan trọng khi hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì nhân viên, ngăn chặn làn sóng công ty phá sản và đảm bảo hỗ trợ người lao động mất việc làm. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thúc giục các nước duy trì các biện pháp chi tiêu để vực dậy nền kinh tế chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn đà virus SARS-CoV-2 lây lan. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Mặc dù nhận định nền kinh tế đang tự phục hồi "mạnh mẽ" và có thể không cần thêm gói kích thích mới, song Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng một gói hỗ trợ với mục tiêu hướng tới những đối tượng cụ thể sẽ là một công cụ "trợ giúp đắc lực" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.