Theo SCMP, cạnh tranh Mỹ - Trung đang tăng nhiệt với trận tuyến mới: Ngoại giao vaccine COVID-19. Đây là lĩnh vực mà Bắc Kinh có thời điểm đã bỏ rất xa Washington trên đường đua.
Cạnh tranh Mỹ - Trung đang tăng nhiệt với trận tuyến mới
Hơn một năm xảy ra đại dịch, thật khó có thể nói quá mức độ mà Trung Quốc đã cải thiện vị thế của mình trên khắp thế giới về cả danh tiếng của họ trong lòng công chúng và ảnh hưởng của họ với các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách.
Theo giới chuyên gia, chiến lược ngoại giao vaccine nhằm gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc và thắt chặt mối quan hệ song phương với các nước. Chiến thắng ngoại giao của Bắc Kinh — với tư cách là nhà cung cấp vaccine COVID-19 cho đến nay — càng đáng chú ý hơn trước những trở ngại mà Trung Quốc phải đối mặt.
Từ khi vaccine còn đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm dang dở, Trung Quốc đã xúc tiến hỗ trợ vaccine cho nhiều nước đang phát triển qua thỏa thuận thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn III, điển hình là Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Chile hay Indonesia.
Chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu Yanzhong Huang tại tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng: trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã tận hưởng vị thế gần như "một mình một ngựa" trong cuộc đua ngoại giao vaccine.
Trong khi đó, Mỹ - đối thủ cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, gần như bị Covid-19 nhấn chìm, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Nhằm thúc đẩy nỗ lực phát triển vaccine, Mỹ chủ yếu ưu tiên tiêm chủng cho người dân trong nước dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Bên cạnh đó, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Ấn Độ buộc phải tạm hoãn tham vọng cạnh tranh khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, gây ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng ngay trên sân nhà. Trong khi đó, nguồn cung vaccine từ Nga cho thế giới vẫn hạn chế.
Tuy nhiên, gió đang đổi chiều với sự trở lại của Mỹ cùng đồng minh. Vài tuần qua, Nhà Trắng đã công bố nhiều kế hoạch quyên góp hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 cho thế giới. Tổng thống Biden không giấu giếm ý định hành động quyết liệt hơn nữa trong tương lai.
Từ đầu tháng 5, Tổng thống Biden đã công bố ý định biến Mỹ thành "kho vũ khí chống Covid-19 toàn cầu", với cam kết tặng 80 triệu liều AstraZeneca cho thế giới. Theo báo cáo hồi tuần trước, tại hội nghị thượng đỉnh G7, chính quyền Biden cam kết sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech và tặng chúng trên toàn thế giới.
Rõ ràng, Washington muốn giữ vai trò dẫn dắt G7 cùng các đối tác thực hiện chương trình tiêm chủng Covid-19 trên quy mô toàn cầu.
Trong cuộc đua ngày càng nóng lên này, phương Tây không chỉ tăng cường số lượng mà còn nắm ưu thế về chất lượng vaccine. Dữ liệu lâm sàng cho thấy vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna có hiệu quả ngừa nCoV cao hơn 90% và đủ sức khống chế những biến chủng mới đang lưu hành.
Trong khi đó, vaccine Trung Quốc vẫn hứng chịu nhiều hoài nghi vì thiếu minh bạch về dữ liệu nghiên cứu, hoặc kết quả thử nghiệm được công bố không bao gồm nhiều nhóm dân số rủi ro bệnh nặng cao.
Điển hình là báo cáo thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn III của Sinopharm hồi tháng 5 thiếu dữ liệu sâu về khả năng ngăn ca bệnh diễn tiến nghiêm trọng, cũng như hiệu quả của vaccine với nhóm người trên 60 tuổi. Đầu tháng này, WHO thông báo vaccine Sinovac chỉ ngăn ngừa khoảng 51% ca bệnh có triệu chứng cho người được tiêm. Tỉ lệ ngăn ngừa ca bệnh diễn tiến nghiêm trọng và ca nhiễm cần nhập viện điều trị là 100%.
Tâm lý hoài nghi Trung Quốc càng bị thổi phồng với sự nóng lên của giả thuyết COVID-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Vào tháng 5, ông Biden xác nhận đã yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện một báo cáo đầy đủ về nguồn gốc đại dịch.
Từng được xem là thuyết âm mưu vô căn cứ, cách giải thích gây tranh cãi trên đang dần trở thành nhận thức phổ biến ở phương Tây.
Dù đang tăng tốc hỗ trợ vaccine cho phần còn lại của thế giới, Mỹ cùng các đồng minh muốn gửi đi thông điệp khác Bắc Kinh qua các khoản quyên góp. Tổng thống Biden nhấn mạnh các động thái đóng góp vaccine nhằm chứng tỏ "những nền dân chủ lớn nhất thế giới đang hợp sức" đẩy lùi đại dịch.