Theo South China Morning Post, tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Ấn diễn ra vào ngày 22/7, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu rằng: “Ấn Độ có cơ hội để chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào công ty nước này trong các lĩnh vực như viễn thông, vật tư y tế và các lĩnh vực khác”.
“Ấn Độ có chỗ đứng như hiện nay nhờ giành được lòng tin của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ”, ông Pompeo cho biết thêm.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau cuộc đụng độ biên giới tại dãy Himalaya hồi tháng 6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ngoại trưởng Mỹ đánh giá hành động này của Bắc Kinh là “không thể chấp nhận được”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Ấn Độ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Ảnh:AFP. |
Cuộc đụng độ quân đội Ấn - Trung ở biên giới đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong quan hệ hai nước, đặc biệt là làn sóng tẩy chay công nghệ Trung Quốc. Ngày 29/6, chính phủ Ấn Độ mạnh tay cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, trong đó có TikTok. Trước đó, tháng 12/2019, New Delhi từng “bật đèn xanh” cho Huawei tham gia thử nghiệm tại thị trường 5G quốc gia. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ đang cân nhắc lại quyết định này.
Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc gốc (thuốc generic) lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, gần 70% nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại nước này hiện phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung trên đà lao xuống vực thẳm. Tổng thống Trump từng nhiều lần lên án Trung Quốc che đậy sự bùng phát của dịch Covid-19 mặc cho Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận thông tin này. Bên cạnh đó, chính quyền Washington cũng cáo buộc Huawei - nhà cung cấp thiết bị viễn thông của Trung Quốc có hành vi gián điệp, vi phạm lệnh trừng phạt với Iran và ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia tại Hong Kong. Gần đây nhất, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston, cáo buộc rằng nơi này và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao khác của Bắc Kinh hoạt động gián điệp và gian lận visa.
Nhận định về vai trò của Ấn Độ đối với Mỹ, ông Pompeo cho biết: "Mỹ chưa bao giờ ủng hộ việc đảm bảo an ninh cho Ấn Độ nhiều như hiện tại. Ấn Độ là đối tác quan trọng và là trụ cột chính trong các chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump”.