(ĐTTCO) - Nếu du khách có dịp đến Myanmar, hãy ghé thăm vùng hồ Inle để trải nghiệm thiên nhiên, con người. Trên vùng hồ mênh mông thuộc bang Shan, chúng ta sẽ thấy bức tranh toàn cảnh về cuộc sống mưu sinh của cư dân bản địa cùng những văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng truyền thống, lâu đời.
Vũ điệu nơm cá
Nằm cách Thủ đô Naypyidaw khoảng hơn 200km, hồ Inle rộng tới 116km2 trên địa hình với độ cao hơn 800m so với mực nước biển. Từ Naypyidow, chúng tôi bắt xe bus đường dài để đến vùng hồ Inle. Cảm nhận đầu tiên bên hồ khi ánh mặt trời vừa nhô là khung cảnh bình yên, bầu không khí trong lành. Thời tiết mát dịu ở đây khá giống với các vùng Tam Đảo, Đà Lạt của Việt Nam.
Vùng hồ cảnh sắc hoang sơ với những cư dân bản địa lặng lẽ mưu sinh trong làn sương sớm. Chúng tôi đã thử làm một chuyến dạo ven bờ hồ bằng xe taxi do những chú bò kéo hết sức lạ lẫm. Ông chủ xe taxi bò mặc chiếc váy quấn ngay bụng, mến khách, niềm nở, giao tiếp bằng tiếng Anh.
Sau khoảng 45 phút ngắm cảnh, chúng tôi đến cây cầu gỗ chạy dài theo dòng kênh ven hồ thuê thuyền máy. Cách duy nhất khám phá toàn bộ hồ Inle là sử dụng dịch vụ thuyền máy của người dân bản địa. Con thuyền đưa du khách ra những khoảng nước mênh mông. Điều ấn tượng nhất cho tất cả du khách, không riêng chúng tôi là hình ảnh về những anh chàng quấn váy, trên đầu đội nón bằng lá, đứng điều khiển thuyền gỗ bằng 1 chân.
Đây là những đàn ông thuộc tộc người Intha, đã định cư lâu đời ở vùng hồ này (trong tiếng Myanmar, Intha có nghĩa là những đứa con của vùng hồ). Những người đàn ông Intha thường quấn chiếc váy dài, mà họ gọi là Longyi.Hồ Inle tuy chỉ sâu khoảng 2,1m mùa cạn và 3,7m vào mùa nước dâng, nhưng ở đây có rất nhiều loài thủy sản cá, tôm, cua… sinh sống. Được thiên nhiên ưu đãi, nên đàn ông Intha mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản.
Vũ điệu với những chiếc nơm bắt cá.
Trên sóng nước, họ đứng một chân trên mũi thuyền gỗ dài đến hơn 10m nhìn rất vắt vẻo. Chân còn lại gác lên chiếc sào dùng để chống xuống đáy hồ giữ thăng bằng. Ra giữa hồ, ngư dân bắt đầu dơ chiếc nơm cá lên nghiêng người tung một chân lên ghé chạm nơm cá. Cảnh tượng hết sức đặc sắc, những ngư dân giờ như đã biến thành các diễn viên xiếc, hay nhóm vũ công biểu diễn điêu luyện trên nước. Họ đánh bắt tôm, cá mưu sinh từ bao đời nay, vừa như biểu diễn để chiều lòng du khách chụp được những bức ảnh đẹp.
Ngược lại, phụ nữ ở đây không chèo thuyền như cánh đàn ông. Phụ nữ ngồi điềm đạm trong lòng thuyền, hoặc trên mui rồi đều đều khua mái chèo. Phụ nữ đảm trách việc đi thuyền để chở hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm ra chợ nổi bán, hoặc mang về nhà phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Tôn giáo và kiến trúc
Tôn giáo và kiến trúc
Nếu như tộc người thiểu số Intha mang những dấu ấn cộng đồng đặc sặc trên mặt nước, thì ở vùng ven lòng hồ Inle còn tồn tại nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số khác. Có thể kể đến các tộc, nhóm người Shan, Taungyo, Pa-O (Taungthu), Danu, Danaw, Bamar. Đặc biệt là tộc người Kayan đặc trưng là những phụ nữ cổ dài.
Những tòa tháp cổ nằm trên mặt nước.
Sự đa dạng về sắc tộc khiến vùng lòng hồ Inle mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm văn hóa đa dạng, đặc sắc. Theo tìm hiểu, đại đa số người dân Myanmar theo đạo Phật. Dấu ấn Phật giáo đậm nét nhất mà du khách có thể nhận ra trên hồ là những ngôi chùa, tòa tháp, tượng cổ. Hệ thống tháp Phật được xây bằng gạch nung, bên ngoài chát vữa, phủ vôi trắng theo hình xoắn ốc từ chân đế nhỏ dần lên đến đỉnh chóp. Tháp Phật tập trung thành những vườn, nằm dải rác khắp vùng hồ. Nhiều ngọn tháp được xây ngay dưới lòng hồ.
Chùa cổ với kiến trúc gỗ bên hồ.
Mùa cạn, chân tháp lộ rõ trên mặt nước với những nét hoa văn, hình khối đặc sắc. Đến mùa nước dâng lên thêm gần 2m, phần chân đế của tháp sẽ hoàn toàn nằm dưới lòng hồ. Ở một số điểm quanh bờ hồ, du khách còn được ngắm một số vườn tượng Phật. Cùng với đó, chúng ta cũng sẽ được chiêm ngưỡng các ngôi chùa, tu viện Phật giáo được xây dựng bằng chất liệu chủ đạo là gỗ, như: Chùa Phaung Daw Oo, Tu viện Nga Phe Kyang. Đặc biệt, ngôi chùa Shwe Yaunghwe Kyaung nổi tiếng với những ô cửa sổ hình oval bằng gỗ teak.
Khu nhà nghỉ, khách sạn nổi bằng tre gỗ.
Vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn dần buông, dạo bước trên hồ Inle, du khách sẽ bắt gặp những nhà sư dạo bước đi khất thực trên mấy câu cầy gỗ. Trong chùa không thu tiền vé, hầu như không thắp hương, đồ cúng của người dân cũng vô cùng giản dị. Đó chính là nét đẹp, đặc trưng của đất nước mộ đạo Phật, từ lâu đã trở thành Quốc giáo.
Đến vùng lòng hồ Inle, thì những nét kiến trúc nhà cửa nổi trên mặt nước của cộng đồng cư dân cũng khiến du khách mải mê chiêm ngắm, khám phá. Ngay khu chúng tôi chọn để nghỉ qua đêm cũng là một kiểu homestay bên hồ, với chất liệu nhà hoàn toàn bằng gỗ làm theo kiểu hiện đại, rất đẹp. Kết cấu một khu nhà nghỉ sẽ là hàng chục chiếc cột gỗ lớn cao đến 4-5m chống xuống đáy hồ để đỡ ngôi nhà 2 tầng bên trên.
Từ mép nước đến sàn tầng 1 phải có khoảng cách hơn 2m để phòng khi nước hồ dâng sẽ không bị tràn vào nhà. Toàn bộ các phòng trong khu nhà nghỉ đều có ô cửa sổ quay ra 4 hướng. Làng nhà nổi của dân bản địa cũng có cấu trúc tương tự, chỉ khác về kích thước và chất liệu. Gia đình nào khá giả thì sẽ làm nhà nổi to, bằng chất liệu gỗ, mái lợp tôn, bên trong nhiều phòng. Còn những hộ khó khăn nhà nổi làm bằng cột gỗ hoặc tre, tường vách cót ép tre, mái lợp cỏ.
Làng nghề thủ công
Làng nghề thủ công
Ở phía Nam hồ Inle còn lưu lại dấu tích thành phố cổ Indein với những công trình kiến trúc được xây dựng bằng gạch từ thế kỷ thứ 11. Nơi đây từng là thủ phủ của vua Shan. Tới đây, du khách sẽ hiểu thêm về vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Myanmar.
Chúng tôi được chủ thuyền cho vào ghé thăm một số cơ sở của những nhóm cư dân làm nghề thủ công. Ở ven vùng lòng hồ có rất nhiều cơ sở làng nghề làm các đồ thủ công mỹ nghệ, làm thuốc lá, bánh trái… Mọi người thích thú khi ghé thăm làng dệt sen. Những phụ nữ trung và cao tuổi tỉ mỉ, kiên nhẫn kéo từng sợi tơ ra từ ngó sen, rồi xe thành sợi để dệt lên những tấm vải mềm và đẹp. Người dân cho biết, để làm ra 1 chiếc khăn tơ lụa phải cần 4.000 ngó sen kéo sợi.
Phụ nữ Kayan cổ dài bên khung cửi dệt vải.
Chúng tôi bị cuốn hút khi xem những người phụ nữ cổ dài tộc người Kayan ngồi bên khung dệt vải. Những người phụ nữ tộc người Kayan có phong tục độc lạ là đeo vòng cổ từ khi lên 9, 10 tuổi và cứ đeo lần lượt từng chiếc, từng chiếc cho đến lúc qua đời. Vì thế, một phụ nữ đến khoảng 60-70 tuổi, số vòng trên cổ đã lên tới 20 chiếc, thậm chí hơn. Những chiếc vòng vàng óng sẽ có kích thước từ to (sát vai) cho đến nhỏ dần khi chạm cằm. Tục đeo vòng kỳ lạ này đã kéo cổ của những người phụ nữ Kayan dài ra đến khoảng gần 20cm. Hình ảnh những người phụ nữ cổ dài Kayan giờ đã nổi tiếng khắp thế giới.
Chúng tôi còn ghé các cơ sở làm dù với chất liệu từ giấy, vải và tre, rồi một số hộ làm bánh rán từ bột ngô… Các gia chủ cũng như người thợ làm nghề đều rất vui vẻ, hiếu khách. Du khách được xem thoải mái các đồ thủ công mỹ nghệ ngay tại nơi làm. Ai thích món gì có thể mua với giá rất mềm. Sản phẩm của các làng nghề quanh hồ sẽ được đưa ra bán ở khu chợ nổi Mingala. Từ sáng đến tối, mọi người tới chợ nổi sẽ được hòa mình vào sự ồn ào náo nhiệt, tiếng người mua, kẻ bán xen lẫn thuyền máy ầm ầm chạy ngược xuôi.
Đến hồ Inle, du khách đừng quên thử ăn món salad cà chua đầy lạ lẫm. Cà chua được người dân trồng leo ở các bè, dàn tre nổi trên mặt hồ. Thậm chí trong văn hóa của người Intha, khi con gái đi lấy chồng, cha mẹ sẽ cho mang theo cà chua giống cùng vài chiếc bè nổi làm của hồi môn. Vợ chồng trẻ sống ở đâu sẽ đẩy bè đến đó để canh tác, trồng cà chua.