Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết trong năm 2024, số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất đã tăng gấp đôi so với các năm trước (trung bình khoảng gần 10.000 tỷ đồng/năm), song công tác đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn tồn tại một số hạn chế “nhức nhối.”
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán thu chi ngân sách là 25.105 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11-2024 đã thu được 18.599 tỷ đồng (đạt 74,08%) kế hoạch; ước đến cuối năm 2024 đạt 100% kế hoạch.
Vấn đề hạn chế nảy sinh là theo quy định tại Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, được xác định theo bảng giá đất. Thế nhưng, một số nơi bảng giá đất còn thấp hơn giá thị trường, không có khả năng bù đắp được chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng).
Để khắc phục tình trạng trên, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã quy định bước giá, đấu giá nhiều vòng (trong đó quy định số vòng bắt buộc) nhằm đảm bảo giá khởi điểm của vòng tiếp theo sau các vòng bắt buộc sát với giá thị trường. Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản hiện vẫn chưa điều tiết đầy đủ các nội dung (tiền đặt cọc thấp - bằng 20% giá khởi điểm; chỉ nghiêm cấm các hành vi dìm giá, không có có quy định cấm đối với hành vi thông đồng nâng giá, “thổi” giá).
Do vậy, trong thời gian qua, tại một số nơi đã xuất hiện tình trạng người tham gia đấu giá trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ tiền đặt cọc) hoặc trả giá cao “bất thường” và không tiếp tục trả giá vòng đấu giá tiếp theo (gây ra việc đấu giá không thành), nhằm mục đích “làm giá”, “thổi giá” gây nhiễu loạn giá thị trường.
Bên cạnh đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở cũng không có quy định phải hoàn thành xây dựng nhà ở trong thời gian nhất định, đã dẫn đến tình trạng không đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang, gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai.
Ngoài ra, một số quận, huyện, thị xã vẫn còn đang bị áp lực thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế-xã hội, nên vẫn tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân xây dựng nhà ở.
Trước thực tế trên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số giải pháp như: Hạn chế việc đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở.
Cùng với đó, các địa phương cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất (ngày 6-12-2024, sở tài nguyên và môi trường đã có tờ trình ủy ban nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh, bổ sung bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1-1-2025 đến 31-12-2025); ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường, công bố danh sách công khai.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó, Công an thành phố Hà Nội đã vào cuộc và tạm giữ 5 đối tượng trả giá cao bất thường tại cuộc đấu giá tại huyện Sóc Sơn.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo không tổ chức đấu giá các khu đất/thửa đất có giá khởi điểm thấp, không có khả năng bù đắp được chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...), chuyển quỹ đất này sang làm các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.